Một số Ngân hàng Thương mại yếu kém phải xử lý thời gian qua - Góc nhìn dưới lăng kính hệ thống Kiểm soát nội bộ hiện đại

Hoc ke toan, dich vu ke toanThực tiễn cho thấy hàng  lọat các vụ bê bối tài chính lớn xảy ra đối với một số ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời gian qua đều có căn nguyên góp phần từ sự yếu kém của hệ thống kiểm soát nội bộ, đến nỗi Ngân hàng Nhà Nước phải mua lại trong tình thế bắt buộc với giá 0 đồng một số ngân hàng thương mại. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đăng bài viết nghiên cứu của ThS. Võ Đình Sáu, Giảng viên Trường Đại Học CNTP TP. Hồ Chí Minh.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo thông lệ quốc tế , hệ thống kiểm sóat nội bộ  (KSNB ) là một cấu thành quan trọng trong quản trị  ngân hàng  và là nền tảng của họat động quản trị ngân hàng thương mại . Thực tiễn cho thấy hàng  lọat các vụ bê bối tài chính lớn xảy ra đối với một số ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời gian qua đều có căn nguyên góp phần từ sự yếu kém của hệ thống KSNB thông qua việc Ngân hàng Nhà Nước phải mua lại trong tình thế bắt buộc với giá 0 đồng một số ngân hàng thương mai như : ngân hàng TMCP Xây Dựng Việt Nam , ngân hang TMCP Đại Dương , ngân hang TMCP Dầu Khí Tòan Cầu nhằm đảm bảo an tòan hệ thống và thực hiện kiểm sóat đặc biệt đối với ngân hang TMCP Đông Á . Nghiên cứu này chỉ  tổng hợp các thất bại dưới góc nhìn  về  hệ thống KSNB trong một số ngân hàng thương mại Việt Nam như đã kể trên, dựa theo các tiêu chuẩn của Ủy ban BASLE về giám sát ngân hàng, đồng thời đánh giá khuôn khổ pháp lý về hệ thống KSNB của ngân hàng Nhà Nước Việt Nam và đề xuất một số khuyến nghị đối với hệ thống KSNB ngân hàng thương mại Việt Nam trong xu thế hội nhập với thông lệ Quốc tế về hệ thống KSNB.

CÁC YẾU KÉM DƯỚI GÓC NHÌN VỀ HỆ THỐNG KSNB

Các thất bại của hệ thống KSNB trong một số ngân hàng thương mại Việt Nam như đã nói trên , dựa theo các tiêu chuẩn của  Ủy ban BASLE về giám sát ngân hàng (BASLE , 1998) có thể trình bày liên quan đến các phần hành cơ bản của hệ thống KSNB như sau :

Môi trường kiểm soát

Các tổn thất của một số  ngân hàng thương mại Việt Nam thời gian qua (giai đọan 2014 – 2015) được nhìn dưới lăng kính khuân mẫu về hệ thống KSNB , có thể được giảm thiểu hoặc tránh được nếu HĐQT của các ngân hàng này thiết lập được văn hóa kiểm soát đủ mạnh. Hai hình thức biểu hiện của văn hóa kiểm soát yếu kém là (1) HĐQT  không chú trọng vai trò của hệ thống KSNB trong ngân hàng thông qua lời nói và hành động của họ, đặc biệt trong việc xây dựng các chuẩn mực ứng xử về đạo đức ; tính trung thực và gía trị đạo đức là nhân tố quan trọng của môi trường kiểm sóat , nó tác động đến việc thiết kế , thực hiện và giám sát các nhân tố khác của KSNB ; (2) HĐQT chưa xây  dựng được cơ cấu tổ chức có quy định rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm quản lý. Ví dụ, HĐQT  không thiết lập được cơ chế giám sát đầy đủ việc ra quyết định của nhà quản trị, thiếu báo cáo kịp thời về bản chất và đạo đức của hoạt động kinh doanh. Có thể nói, văn hóa kiểm soát của ngân hàng bị suy giảm nghiêm trọng khi HĐQT thực hiện việc duyệt vay các khỏan vay cho chính các doanh nghiệp mà mình làm chủ sở hữu thật sự, mà bỏ qua các chính sách kiểm soát nội bộ hoặc không quan tâm xử lý các vấn đề mà kiểm toán nội bộ phát hiện ra. Việc duyệt cho vay các khỏan vay đó tạo ra thông điệp trong toàn hệ thống rằng KSNB chỉ đóng vai trò thứ yếu sau các mục tiêu khác của ngân hàng, vì vậy, làm suy giảm việc cam kết thực hiện và chất lượng của văn hóa kiểm soát.

Môi trường kiểm sóat yếu kém còn có căn nguyên từ xung đột lợi ích của các nhà quản trị ngân hàng , vừa là chủ sở hữu ngân hàng đồng thời cũng là chủ sở hữu các doanh nghiệp ; điển hình cho trường hợp này là Phạm Công Danh – chủ tịch ngân hàng xây dựng Việt Nam – đã rút hơn 14.000 tỷ đồng của chính ngân hàng mình làm chủ tịch – một ngân hàng có tới hơn 500 cổ đông , cho các công ty do mình sở hữu vay dẫn đến mất khả năng thanh tóan .

Đánh giá rủi ro

Hạn chế của KSNB xuất phát từ việc nhận dạng và đánh giá rủi ro không đầy đủ có thể gây ra các thiệt hại cho ngân hàng. Trong một số trường hợp, khả năng sinh lời cao của một số khoản vay, khoản đầu tư và các công cụ phái sinh của ngân hàng khiến cho ban điều hành sao lãng việc đánh giá rủi ro đầy đủ, soát xét liên tục các hoạt động và thực hiện các biện pháp ứng phó rủi ro . Ví dụ điển hình cho trường hợp này là thế chấp các tài sản cổ định vô hình để vay tiền tại ngân hàng NN và PTNT Việt Nam , gây thất thóat cho ngân hàng này hơn 3.000 tỷ đồng Theo quy định về cho vay, thế chấp tài sản của Việt Nam, thương hiệu là một loại tài sản, và ngân hàng có thể nhận thế chấp tài sản là quyền sử dụng, sở hữu thương hiệu.Tuy nhiên, khi phải xử lý tài sản này, thì Việt Nam hiện vẫn còn rất thiếu các quy định trong việc xác định giá trị thương hiệu, các điều kiện sử dụng thương hiệu... Do sự phức tạp và rủi ro này, các ngân hàng (ngoại trừ Agribank) thường từ chối nhận thế chấp bằng thương hiệu , trường hợp không đánh giá đầy đủ các rủi ro khi phát sinh các nghiệp vụ ngân hàng mới này đã làm Agribank thất thóat hơn 3.000 tỷ đồng .

Ngân hàng cũng có thể phải gánh chịu tổn thất nếu ban điều hành không kịp điều chỉnh quy trình đánh giá rủi ro khi có sự thay đổi của môi trường kinh doanh điển hình cho trường hợp này vụ thua lỗ do kinh doanh ngọai hối gây ra tại ngân hang NN và PTNN Việt Nam . Ví dụ, khi chào hàng các sản phẩm, dịch vụ mới của ngân hàng hoặc thâm nhập vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh mới, phức tạp cần tăng cường các thủ tục KSNB để ứng phó với các vấn đề có thể xảy ra. Như vậy, ngân hàng cần thiết lập các mục tiêu kiểm soát để đảm bảo hiệu quả hoạt động, độ tin cậy của thông tin tài chính và tính tuân thủ pháp luật. Việc thiết lập mục tiêu, nhận dạng và đánh giá rủi ro nhằm đảm bảo hệ thống KSNB của ngân hàng phù hợp với bản chất, mức độ phức tạp và rủi ro của các nghiệp vụ trong và ngoài bảng cân đối kế toán , nhất là với các công cụ tài chính phái sinh và cho thuê tài chính .

Hoạt động kiểm soát 

Đa phần các ngân hàng bị tổn thất như đã kể trên ( ngân hàng Đại Dương , ngân hàng Xây Dựng,  ngân hàng Dầu Khí Tòan Cầu và ngân hàng Đông Á ) xuất phát từ hệ thống KSNB yếu kém thường không tuân thủ các nguyên tắc chủ yếu của KSNB, trong đó, nguyên tắc phân công, phân nhiệm được coi là một trụ cột của hệ thống KSNB. Thông thường, một nhà quản trị cấp cao được giao giám sát hai hoặc một vài lĩnh vực có mâu thuẫn lợi ích với nhau. Ví dụ, một cá nhân được phân công đảm nhận cả chức năng thực hiện (giao dịch) và chức năng ghi sổ có thể dẫn đến nguy cơ thao túng số liệu tài chính để trục lợi cá nhân hoặc che giấu lỗ.

Nguyên tắc phân công, phân nhiệm đòi hỏi việc tách bạch các chức năng thực hiện, phê duyệt, bảo quản tài sản và ghi sổ kế toán. Ví dụ, việc vi phạm nguyên tắc phân công, phân nhiệm có thể gây ra các tác hại nghiêm trọng cho ngân hàng nếu một cá nhân đồng thời được giao: Phê duyệt giải ngân và trực tiếp thực hiện giải ngân cho khách hàng; Quản lý khách hàng và tài khoản khách hàng , điển hình cho trường hợp này là các chứng từ giãi ngân ở ngân hàng NN và PTNT chi nhánh 6 , tp.HCM không có cả chử ký đề nghị giãi ngân của chủ tài khỏan , tiền vẫn được giãi ngân và cho vay , dẫn đến thất thóat không thu hồi được khỏan vay gần 1.000 tỷ đồng . Cung cấp thông tin xếp hạng tín dụng cho khách hàng khi đang tiếp thị khách hàng đó; Đánh giá tính đầy đủ của hồ sơ tín dụng và giám sát hoạt động khách hàng sau giải ngân; hoặc bất kỳ lĩnh vực nào có thể làm nảy sinh mâu thuẫn lợi ích và không có cách nào để giảm thiểu được mâu thuẫn lợi ích đó. Điển hình cho trường hợp này là ngân hàng Đông Á , nhà quản trị ngân hàng cũng là cổ đông lớn thường có những quyết định nhiều rủi ro , nhưng lại là quyết định " miệng " cho cấp dưới phải chấp hành , bất chấp các qui định , qui trình về các chính sách kiểm sóat và thủ tục kiểm sóat tại ngân hàng này .Ngay cả trường hợp bị kiểm sóat đặc biệt như ngân hàng Xây Dựng Việt Nam , khi Ngân Hàng Nhà Nước cử một tổ công tác đặc biệt của NHNN tỉnh Long An kiểm sóat , với qui định tất cả các khỏan chuyển tiền ra khỏi ngân hàng này từ 5 tỷ đồng trở lên  phải được phê duyệt của tổ kiểm sóat đặc biệt đó , nhưng 14.000 tỷ đồng vẫn được Phạm Công Danh chuyển cho các công ty thuộc quyền kiểm sóat của mình .

Thông tin - truyền thông 

Nhiều ngân hàng chịu thiệt hại vì thông tin không đáng tin cậy, không đầy đủ hoặc truyền thông trong ngân hàng kém hiệu quả. Trong một số trường hợp, thông tin tài chính nội bộ sai lệch hoặc dữ liệu bên ngoài thiếu chính xác lại được sử dụng để đánh giá tình trạng tài chính, hoặc các hoạt động tuy nhỏ nhưng rủi ro cao không được xem xét đến trong báo cáo quản trị .Như vấn đề nợ xấu là một vấn đề cho thấy chất lượng thông tin của chính các ngân hàng thương mại còn rất hạn chế , số liệu báo cáo bao giờ cũng thấp hơn số liệu ước tính của cơ quan giám sát ngân hàng nhà nước (nợ xấu theo báo cáo của các TCTD đến cuối 2014 là 145,2 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,25%; nợ xấu theo số liệu giám sát của NHNN là 214,9 nghìn tỷ đồng tương đương 4,83% ) . Một số ngân hàng không thông tin đầy đủ đến toàn thể nhân viên về nhiệm vụ và trách nhiệm kiểm soát của họ, không phổ biến các chính sách của ngân hàng qua các kênh như thư tín điện tử nên không đảm bảo các chính sách đó đã được toàn bộ nhân viên đọc, hiểu và duy trì. Hậu quả là, nhiều chính sách quản trị quan trọng của ngân hàng đã không được thực thi. Nếu ngân hàng thiết lập được kênh thông tin cho nhân viên phản ánh các hành vi có biểu hiện sai phạm trong toàn bộ đơn vị thì ban điều hành đã có thể xác định và xử lý kịp thời các sai phạm.

Giám sát 

Thực tế cho thấy nhiều ngân hàng đã phải gánh chịu thiệt hại do hoạt động giám sát hệ thống KSNB kém hiệu quả. Thông thường, do mải theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, nhiều ngân hàng chưa tập trung xây dựng quy trình giám sát thường xuyên, liên tục và các đánh giá độc lập chưa đầy đủ hoặc chưa được thực hiện bởi Ban Giám đốc.

Trong một số trường hợp, việc thiếu hoạt động giám sát thể hiện ở việc không xem xét và ứng phó với các hoạt động bất thường hàng ngày của nhân viên và cán bộ phụ trách, ví dụ vượt quá hạn mức tín dụng cho phép hoặc thiếu báo cáo tài chính hiện hành của khách hàng vay. Tại một số ngân hàng, các khoản thua lỗ có thể được che đậy dưới dạng tài khoản ảo của khách hàng. Nếu các ngân hàng đều thiết lập thủ tục kiểm soát yêu cầu hàng tháng phải gửi chi tiết giao dịch tài khoản tới khách hàng và định kỳ xác nhận số dư thì các khoản thua lỗ bị che giấu có thể đã được phát hiện sớm trước khi chúng tích tụ lại thành khoản thiệt hại lớn cho ngân hàng.

Mặc dù bộ máy kiểm toán nội bộ (KTNB) được thiết lập có thể cung cấp các đánh giá độc lập, tuy nhiên trong rất nhiều ngân hàng, bộ máy này lại hoạt động kém hiệu quả, xuất phát từ 03 lý do chủ yếu: hoạt động manh mún của KTNB, thiếu hiểu biết thấu đáo về nghiệp vụ kinh doanh và không xử lý dứt điểm các vấn đề đã được phát hiện. Chương trình KTNB thường được thiết kế như là các hoạt động kiểm toán rời rạc được tiến hành tại một số phòng ban/bộ phận của ngân hàng. Vì vậy, kiểm toán viên nội bộ không có được hiểu biết đầy đủ về quy trình hoạt động do không được theo dõi các nghiệp vụ từ khi bắt đầu đến khi kết thúc mà đáng lẽ kiểm toán viên nội bộ cần được tạo cơ hội để thử nghiệm và kiểm tra tính đầy đủ của các thủ tục kiểm soát ở tất cả các khâu của quy trình hoạt động.

KTNB cũng có thể không phát huy được vai trò của mình nếu Ban giám đốc không đôn đốc, theo dõi sát sao việc khắc phục các tồn tại đã được phát hiện bởi KTNB. Việc trì hoãn thực hiện các kiến nghị của KTNB có thể xuất phát từ việc Ban điều hành thiếu coi trọng vai trò của KTNB. Nói cách khác, tính hiệu quả của KTNB sẽ được tăng cường nếu Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Ban điều hành ngay sau khi nhận được báo cáo của KTNB tiến hành giải quyết triệt để các vấn đề trọng yếu trước khi quá muộn.

Đánh giá khung pháp lý về KSNB tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

Giai đoạn 1997-2006

(i) Tổ chức kiểm toán nội bộ chưa đảm bảo tính độc lập

Sau khi Luật các TCTD lần đầu tiên ra đời vào năm 1997, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động KSNB tại các TCTD. Văn bản hướng dẫn đầu tiên là Quyết định số 03/1998/QĐ-NHNN3 ngày 03/01/1998 ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ trong các TCTD hoạt động tại Việt Nam, trong đó quy định “bộ máy kiểm tra nội bộ chuyên trách trực thuộc Tổng giám đốc”. Quy chế này cũng chưa cụ thể hóa các chức năng, nhiệm vụ của bộ máy kiểm tra nội bộ, dẫn tới thực tế áp dụng hệ thống KSNB tại các TCTD không nhất quán và kém hiệu quả

(ii) Chức năng kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ chưa được phân định rõ

Văn bản pháp lý cao nhất có liên quan hiện còn hiệu lực thi hành là Luật các TCTD số 47/2010/QH12 ban hành năm 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 (thay thế Luật các TCTD số 02/1997/QH10 ban hành năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD số 20/2004/QH11 ban hành năm 2004). Theo đó, hệ thống KSNB được quy định tại Điều 40 - Luật các TCTD năm 2010, gồm ba nội dung là khái niệm hệ thống KSNB, các yêu cầu của hệ thống KSNB và việc đánh giá hệ thống KSNB bởi kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập. “Kiểm toán nội bộ” được quy định riêng tại Điều 41, trong đó nêu rõ bộ phận kiểm toán nội bộ chuyên trách trực thuộc Ban kiểm soát. Đây là điểm khác biệt so với Luật các TCTD năm 1997, trong đó “hệ thống kiểm tra, kiểm toán nội bộ thuộc bộ máy điều hành” được quy định tại các Điều 41-44; song không rõ khái niệm hệ thống kiểm tra, kiểm toán nội bộ là gì, chức năng của kiểm tra nội bộ và kiểm toán nội bộ được đề cập chung chung, chưa phân định rõ chức năng của kiểm tra và kiểm toán nội bộ. Chính sự thiếu rõ ràng của cơ sở pháp lý này dẫn tới việc các TCTD không có hiểu biết đầy đủ về hệ thống KSNB và việc xây dựng, áp dụng hệ thống này chỉ mang tính hình thức. Hệ thống KSNB chưa được các ngân hàng quan tâm thích đáng, hay nói cách khác môi trường kiểm soát chưa đủ mạnh để hệ thống KSNB phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện các mục tiêu đã định của ngân hàng.

Giai đoạn từ năm 2006 trở lại đây

Phân biệt rõ khái niệm kiểm soát nội bộ với kiểm toán nội bộ

Trước sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng, Quyết định số 03/1998/QĐ-NHNN3 ngày 03/01/1998 đã bị lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các TCTD. Do đó, Quyết định số 36/2006/QĐ-NHNN ngày 01/8/2006 ban hành Quy chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ của các TCTD đã ra đời thay thế cho Quyết định số 03/1998/QĐ-NHNN3, trong đó, có đầy đủ các khái niệm, mục tiêu, các yêu cầu và nguyên tắc hoạt động của hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Bước tiến của Quyết định số 36/2006/QĐ-NHNN so với các quy định trước đây thể hiện ở việc khẳng định “hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ là một phần không tách rời của các hoạt động hàng ngày của TCTD”, và “hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ của TCTD phải được kiểm toán nội bộ kiểm tra, đánh giá một cách độc lập”. Có thể thấy bước tiến này đã tiệm cận quy định của quốc tế thông qua việc đối chiếu với quy định về “hoạt động kiểm soát” và “hoạt động giám sát” của Ủy ban BASLE .

Cơ cấu tổ chức kiểm toán nội bộ đảm bảo tính độc lập, khách quan

Được ban hành cùng ngày với Quyết định số 36/2006/QĐ-NHNN nói trên, Quyết định số 37/2006/QĐ-NHNN ngày 01/8/2006 về Quy chế kiểm toán nội bộ của các TCTD đã thay thế Quyết định số 03/1998/QĐ-NHNN3 ngày 03/01/1998. Quyết định này cũng giải thích rõ khái niệm, mục tiêu, nguyên tắc cơ bản và phương pháp thực hiện kiểm toán nội bộ. Quyết định số 37/2006/QĐ-NHNN cũng chỉ rõ “kiểm toán nội bộ của TCTD được tổ chức thành hệ thống thống nhất theo ngành dọc, trực thuộc và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban kiểm soát”. Đây là bước tiến cơ bản so với các quy định trước đây khi bộ máy kiểm tra, kiểm toán nội bộ trực thuộc Ban Tổng giám đốc. Điều dễ nhận thấy là hoạt động của Ban Tổng giám đốc cũng là đối tượng của kiểm toán nội bộ nên nếu bộ máy kiểm toán nội bộ chịu sự quản lý của Ban Tổng giám đốc thì kết quả kiểm toán nội bộ không thể đảm bảo tính độc lập, khách quan. Vì vậy, mô hình hiện tại kiểm toán nội bộ trực thuộc Ban kiểm soát sẽ làm tăng tính độc lập trong hoạt động của các kiểm toán viên nội bộ của TCTD. Tuy nhiên, thực chất Ban kiểm soát vẫn chưa đảm bảo tính độc lập với bộ phận được kiểm tra, đặc biệt là Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Cùng với hạn chế về con người và các nguồn lực khác đã giới hạn rất nhiều khả năng kiểm soát nội bộ của Ban kiểm soát, và trong thực tế, chức năng của Ban kiểm soát thuộc Hội đồng quản trị mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, đánh giá các báo cáo tài chính cuối kỳ và xử lý các vấn đề đã phát sinh .

Chú trọng quản lý rủi ro và mở rộng phạm vi của kiểm toán nội bộ

Có thể thấy một bước tiến nổi bật khác của khung khổ pháp lý về KSNB tại các TCTD thể hiện ở việc nhấn mạnh tầm quan trọng của quản lý rủi ro trong toàn hệ thống. Thông tư số 44/2011/TT-NHNN ngày 29/12/2011 (thay thế Quyết định số 36 và 37 năm 2006) yêu cầu các TCTD phải nhận dạng, đo lường và đánh giá thường xuyên, liên tục mọi rủi ro có nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả và mục tiêu hoạt động của TCTD để kịp thời ngăn ngừa, phát hiện và có biện pháp quản lý rủi ro thích hợp. Đồng thời, nhằm ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh, các TCTD đều phải rà soát, nhận dạng rủi ro phát sinh liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ và các hoạt động kinh doanh mới để sửa đổi, bổ sung các quy trình và quy định KSNB phù hợp. Cùng thống nhất với yêu cầu và nguyên tắc hoạt động của hệ thống KSNB, thông tư số 44/2011/TT-NHNN cũng chỉ rõ phạm vi của kiểm toán nội bộ không chỉ giới hạn ở kiểm toán tuân thủ mà bao gồm kiểm toán tất cả các hoạt động, quy trình nghiệp vụ và các đơn vị, bộ phận của TCTD và kiểm toán đột xuất, tư vấn theo yêu cầu của HĐQT, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc.

Đặc biệt, Điều 17 của Thông tư 44 năm 2011 có đề cập đến phương pháp kiểm toán nội bộ theo định hướng rủi ro, trong đó, yêu cầu kiểm toán nội bộ ít nhất một năm một lần phải xác định các rủi ro tiềm tàng, đánh giá tác động, khả năng xảy ra của các rủi ro; phân loại rủi ro ở các mức cao, trung bình hoặc thấp và xây dựng hồ sơ rủi ro cho từng hoạt động của TCTD. Đây là một điểm hội tụ với thông lệ Quốc tế về phương pháp kiểm toán nội bộ hiện đại theo định hướng rủi ro được áp dụng phổ biến trên thế giới hiện nay (Griffiths, 2015). Tuy nhiên, trong thực tế, các NHTM Việt Nam gặp nhiều trở ngại trong việc áp dụng cách tiếp cận kiểm toán theo định hướng rủi ro, xuất phát từ việc thiếu hiểu biết đầy đủ về quy trình kiểm toán theo định hướng rủi ro và đặc biệt là chưa nhận dạng và đo lường, lượng hóa được các rủi ro chủ yếu phát sinh trong hoạt động ngân hàng.

Như vậy, việc ban hành 02 Quyết định số 36/2006/QĐ-NHNN và Quyết định số 37/2006/QĐ-NHNN năm 2006 và sau đó là sự ra đời của Thông tư 44/2011/TT-NHNN năm 2011 thay thế cho 02 Quyết định trên đã bộc lộ những bước tiến rõ rệt với sự tách bạch, phân định rõ ràng giữa chức năng kiểm soát nội bộ và chức năng kiểm toán nội bộ của TCTD, thể hiện xu hướng hội nhập với thông lệ quốc tế về hệ thống KSNB. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để hệ thống KSNB và kiểm toán nội bộ thực sự phát huy hiệu quả đối với hoạt động của TCTD, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý chức năng khác cần tiếp tục sửa đổi bổ sung, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết hơn các nội dung liên quan đến hệ thống KSNB và kiểm toán nội bộ theo định hướng rủi ro đáp ứng nhu cầu của các TCTD.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ ĐỐI VỚI HỆ THỐNG KSNB NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM

Tạo dựng môi trường kiểm soát chú trọng đạo đức kinh doanh

Vì môi trường kiểm soát là yếu tố nền tảng của hệ thống KSNB, Ban điều hành ngân hàng cần thực sự coi trọng vai trò của hệ thống KSNB bằng cách thiết lập cơ chế giám sát đầy đủ đối với toàn bộ hoạt động của ngân hàng, tạo dựng văn hóa kiểm soát toàn diện trong tổ chức, trong đó, đặc biệt chú trọng đề cao vấn đề đạo đức kinh doanh khi tần suất xuất hiện và mức độ thiệt hại của các vụ việc vi phạm đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng đang ngày càng gia tăng ở Việt Nam.Đặc biệt rủi ro đạo đức trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chúng ta càng lớn hơn khi thời gian qua chúng ta buộc phải mua lại gía 0 đồng các ngân hàng yếu kém kể trên mà không cho phá sản theo Luật phá sản , vì sự an tòan của tòan hệ thống .

Điều chỉnh quy trình đánh giá và ứng phó rủi ro kịp thời

Để đảm bảo hệ thống KSNB hoạt động có hiệu quả, các ngân hàng thương mại cần thiết lập các mục tiêu kiểm soát, không vì lợi ích ngắn hạn trước mắt như khả năng sinh lời cao của một số khoản vay hay đầu tư mà sao lãng việc đánh giá rủi ro đầy đủ và soát xét liên tục các hoạt động. Kinh doanh ngân hàng là lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, hết sức nhạy cảm với sự biến động của môi trường kinh tế và phải đối mặt với rất nhiều loại rủi ro như rủi ro tài chính, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường kinh doanh , rủi ro đạo đức và các rủi ro bất thường khác với tính chất và mức độ ngày càng phức tạp hơn (Đào Minh Phúc, 2012). Điều này đòi hỏi các ngân hàng thương mại Việt Nam phải điều chỉnh quy trình đánh giá rủi ro khi có sự thay đổi của môi trường kinh doanh để ứng phó kịp thời với các rủi ro mới phát sinh trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Tăng cường giám sát và nâng cao hiệu quả kiểm toán nội bộ

Các NHTM cần chú trọng xây dựng quy trình giám sát thường xuyên, liên tục kết hợp với giám sát định kỳ được thực hiện bởi kiểm toán nội bộ nhằm đưa ra các đánh giá độc lập, khách quan đối với hệ thống KSNB. Kiểm toán viên nội bộ ngân hàng thương mại cần được đào tạo về các nghiệp vụ đặc thù, chuyên sâu ngành ngân hàng, được tham gia thử nghiệm và kiểm tra tính đầy đủ của các thủ tục kiểm soát ở tất cả các khâu của quy trình hoạt động của ngân hàng. Mọi phát hiện và kiến nghị của KTNB cần được Ban điều hành đôn đốc, theo dõi sát sao để xử lý dứt điểm các vụ việc, tránh các hậu quả nghiêm trọng đáng tiếc đã xảy ra ở một số ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn gần đây .

Tài liệu tham khảo

1. Basle Committee (1998), “Framework for internal control systems in banking organisations”.

2. Basle (2000), Internal audit in banking organisations and the relationship of the supervisory authorities with internal and external auditors.

3. COSO (2013), “Internal Control Integrated Framework”.

4. Griffiths (2015), “An Introduction to Risk Based Internal Auditing”, download từ http://www.internalaudit.biz/ ngày 20/4/2015.

5. Millichip, R., (2010), “Internal auditing: a new direction in the wake of the financial crisis”, The Institute of Internal Auditors Research Foundation.

6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (1998), Quyết định số 03/1998/QĐ-NHNN3ngày 03/01/1998 ban hành Quy chế mẫu về tổ chức và hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ trong các TCTD hoạt động tại Việt Nam.

7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2006), Quyết định số 36/2006/QĐ-NHNNngày 01/8/2006 về Quy chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ của TCTD.

8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2006), Quyết định số 37/2006/QĐ-NHNNngày 01/8/2006 ban hành Quy chế kiểm toán nội bộ của các TCTD.

9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2011), Thông tư số 44/2011/TT-NHNNngày 29/12/2011 quy định về hệ thống KSNB và kiểm toán nội bộ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

10. Đào Minh Phúc, Lê Văn Hinh (2012), “Hệ thống KSNB gắn với quản lý rủi ro tại các NHTM Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí ngân hàng (số 24), tr.20-26.

Th.S Võ Đình Sáu

Giảng viên Khoa TCKT – ĐHCNTP.Tp.HCM

 

Hỗ Trợ Trực Tuyến
 
CongTy PhuNamHai 260 270

TrungTam Daihoc KinhTe 260 270

f and y 260 270
Lead talent 260 270

Lượt Truy Cập

Hôm nay: 300 Hôm qua: 218 Tổng truy cập: 1157324 Số người đang online: 82

THÔNG TIN VỀ QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH

Dịch vụ và Tư vấn Thuế - Kế toán : 028.3932 6401 - 028.3932 6473
Tư vấn Quản lý và Nhà Thầu : 028.3932 6403 - 0945 168 743
Tư vấn Tổ chức và nhân sự : 028.3932 6341028.3890 9670

^