Đừng lãng phí tuổi 20 ở các công ty lớn
- Chuyên mục: Bài viết Doanh nhân
- Lượt xem: 14566
- 10 - 09 - 2014
Làm việc ở các doanh nghiệp tên tuổi ngay sau khi ra trường chưa chắc đã giúp bạn học hỏi được nhiều và khám phá sâu về bản thân mình như các công ty mới.
Raj De Datta là doanh nhân gốc Ấn Độ. Ông tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard (HBS), từng làm việc cho Cisco, Lazard và đồng sáng lập các công ty như BloomReach, Founder Collective, FirstMark Communications. Mới đây, trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn, ông đã chia sẻ quan điểm của mình về sự nghiệp của người trẻ.
Ở tuổi 20, bạn muốn đạt được điều gì trong công việc? Kiếm được nhiều tiền? Hay đầu quân cho một công ty lớn để có lý lịch hoành tráng? Tôi thì cho rằng quan trọng nhất là bạn hãy đi theo tiếng gọi của bản thân. Nhà khởi nghiệp nổi tiếng với xuất thân nghèo khó - Jim Rohn từng nói: "Thời gian là tài sản quý giá nhất của chúng ta. Nhưng chúng ta thường có xu hướng lãng phí nó, giết nó, hoặc tiêu xài thay vì đầu tư".
Đầu tư thời gian vào tuổi 20 một cách thông minh sẽ giúp bạn có cả phần đời còn lại được làm điều mình yêu thích, chứ không phải đi tìm kiếm nó. Vì vậy, câu hỏi bạn nên đặt ra cho bản thân mình là: "Làm thế nào tôi có thể học được nhiều nhất (về bản thân và những điều mình quan tâm) trong thời gian ngắn nhất, để biết được mình sẽ trở thành người thế nào khi lớn lên?".
Raj De Datta (phải) cùng nhà đồng sáng lập BloomReach - Ashutosh Garg (trái). Ảnh: BloomReach
Hãy bắt đầu với việc không nên làm trước, đó là đầu quân cho một công ty công nghệ lớn. Quyết định này không hề dễ dàng chút nào. Google và các đại gia công nghệ thường tuyển dụng ngay khi bạn còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ đưa ra các ưu đãi hấp dẫn, như lương cao, bữa ăn miễn phí hay thường xuyên được gặp Hillary Clinton và Bono. Rất nhiều bạn bè của bạn có thể cũng đang làm tại đó. Và đây cũng như bước đệm giúp bạn làm được nhiều việc khác.
Vấn đề là tốc độ học hỏi tại đây của bạn sẽ rất chậm. Nếu là một kỹ sư, bạn có thể sẽ làm trong một dự án lớn mà có khi chẳng đóng góp mấy cho kết quả kinh doanh của công ty. Bạn sẽ phải làm việc với những người có trình độ rất phân hóa, mà trong một công ty 50.000 người, điều này cũng rất dễ xảy ra. Còn nếu làm nhân viên kinh doanh, bạn sẽ rất khó biết được mình thành công là nhờ thương hiệu công ty hay do chính bản thân.
Liệu doanh nghiệp có thay đổi chút nào nhờ sự có mặt của bạn không. Câu trả lời gần như trong mọi trường hợp là không. Kết quả là, bạn có thể sẽ giàu có hơn một chút sau khi rời đi. Nhưng bạn thật sự không khám phá được mấy về bản thân mình, và có thể còn thụt lùi so với những người bạn làm trong các công ty mới thành lập hoặc đang phát triển.
Những doanh nghiệp dịch vụ như McKinsey hay Goldman Sachs có vẻ mở ra rất nhiều cơ hội. Bạn sẽ được hưởng lương cao, luân chuyển qua nhiều dự án, đi đến nhiều quốc gia và gặp gỡ nhiều lãnh đạo cấp cao ở công ty khách hàng. Nhưng điều này chỉ đúng phần nào thôi.
Phần lớn các tư vấn viên và nhân viên ngân hàng tôi biết đều còn mơ hồ về việc họ muốn làm gì trong cuộc sống khi quyết định gia nhập các công ty này. Các dự án cũng chỉ làm bạn thêm rối rắm. Dù bạn có thể được rèn giũa kỹ năng suy nghĩ phản biện, nhưng hãy nhớ công việc cơ bản của một tư vấn viên hoặc nhân viên ngân hàng chỉ là dùng Excel để thống kê và PowerPoint để thuyết trình. Toàn bộ những gì bạn học được là lập chiến lược (vốn chỉ chiếm 5% cuộc sống) và bỏ qua nhiều kỹ năng cần thiết hơn (như thực thi chẳng hạn).
Tôi từng làm việc 2 năm tại một công ty dịch vụ lớn (ngân hàng Lazard) và 3 năm tại một hãng công nghệ lớn (Cisco) khi còn ở tuổi 20. Nhưng tôi đã học được nhiều hơn gấp 10 lần về bản thân mình và con đường mình muốn đi trong cuộc đời khi đồng sáng lập FirstMark Communications. Tôi đã làm việc tại đây từ năm 23 đến 26 tuổi. FirstMark cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao tại châu Âu cuối thập niên 90, huy động được 1 tỷ USD vốn, có hơn 600 nhân viên, làm việc với hơn 10 quốc gia. Đó là trải nghiệm thay đổi cả cuộc đời tôi.
Nó cho tôi biết tôi thực sự muốn trở thành một doanh nhân. Và quan trọng hơn, nó cho tôi sự tự tin. Dù công việc tại đây rất nhiều, áp lực, hay biến động, tôi vẫn rất yêu nó. Tôi đã nhận ra rằng cuộc đời mình sẽ gắn liền với việc khởi nghiệp.
Làm việc tại một công ty mới sẽ giúp tốc độ học hỏi của bạn tăng nhanh đáng kể. Đây là khoản đầu tư tốt nhất bạn có thể làm được ở độ tuổi 20. Nó sẽ giúp bạn nhận ra chính bản thân mình.
Nếu thất bại, bạn cũng đừng căng thẳng. Vì ở tuổi này, bạn không có nhiều vướng bận, như gia đình, hay con cái. Bạn có thể ở nhờ nhà bạn bè vài tháng cũng chẳng sao. Ngoài ra, tôi cam đoan nhân viên đáng tuyển dụng nhất trong ngành công nghệ là những người ở độ tuổi 20 với những kỹ năng chuyên môn lý tưởng. Vì thế, kể cả nếu khởi nghiệp thất bại, bạn vẫn có cả tá cơ hội ở phía trước và ít ra khi ấy, bạn cũng đã hiểu rõ bản thân mình.
VnexpressNews
LBL_NEWERNAME
- The Guardian có nữ Tổng biên tập đầu tiên sau gần 200 năm - 01/04/2015
- 11 lời khuyên cho doanh nhân đầu năm mới - 21/02/2015
- Giám đốc vỡ nợ tái khởi nghiệp với 15 triệu đồng - 28/12/2014
- Ivanov - Kinh nghiệm làm giàu của triệu phú 27 tuổi - 06/11/2014
- 'Tôi đã thổi bay 250.000 USD thừa kế như thế nào' - 15/09/2014