Lựa chọn nào của chính sách tiền tệ 2017?
- Chuyên mục: Vấn đề Tài chính
- Lượt xem: 2455
- 08 - 01 - 2017
Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước xác định mục tiêu phấn đấu giữ ổn định được lãi suất như năm 2016; với điều kiện cho phép có thể giảm được lãi suất cho vay trung dài hạn. Và đã có một số điều kiện mới bắt đầu xuất hiện.
Đến thời điểm này, định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2017 đã định hình rõ. Trong đó, không có nhiều lựa chọn về ưu tiên, mà phải cùng lúc cân đối các mục tiêu đôi khi mâu thuẫn nhau.
Nhưng, theo quan điểm và xác định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, điều hành chính sách tiền tệ năm nay có mục tiêu kiên quyết: kiểm soát được lạm phát, để hỗ trợ ổn định vĩ mô.
Trước yêu cầu đa mục tiêu
Tại buổi họp báo tổng kết 2016 cũng như ở hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành 2017, Ngân hàng Nhà nước dự báo hai yếu tố nổi bật từ bên ngoài sẽ tác động bất lợi tới Việt Nam, cũng như đối với việc điều hành chính sách tiền tệ.
Thứ nhất, Việt Nam là một nền kinh tế mở, tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuẩt khẩu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm lại và không mạnh sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trong nước.
Thứ hai, vấn đề bảo hộ toàn cầu, xu thế bảo hộ mậu dịch đang lan rộng dự báo sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu của Việt Nam.
Trong khi đó, trong nước, dư địa về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đã trở nên chật hẹp để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho tổng cầu. Khó khăn này càng rõ hơn trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế tiếp tục đặt ở mức cao, cùng yêu cầu kiểm soát lạm phát ở mức thấp.
“Nhìn từ góc độ ngân hàng, chúng ta phải thẳng thắn mà nói, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% đầy thách thức. Đồng thời Quốc hội cũng đặt mục tiêu lạm phát bình quân năm nay ở mức 4%. Trong khi đó, điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng của chúng ta không giống như các nước, phải phục vụ đa mục tiêu. Chúng ta phải kiểm soát được lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định tỷ giá. Tất cả những mục tiêu đó đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau đòi hỏi trong hoạch định điều hành và sử dụng công cụ chính sách tiền tệ phải rất linh hoạt”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói tại hội nghị toàn ngành ngày 5/1 vừa qua.
Trong yêu cầu phục vụ đa mục tiêu đó, nhà điều hành chính sách tiền tệ cho biết sẽ kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiên quyết thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát.
“Giữ được mục tiêu lạm phát ở mức 4% là mục tiêu kiên quyết trong việc hoạch định điều hành chính sách tiền tệ, sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ. Đây là điều khẳng định chúng ta sẽ kiên trì, kiên định đường lối chính sách này và có làm được như vậy ta mới có dư địa để các bộ ngành và Chính phủ điều hành công tác quản lý giá trong năm tới”, Thống đốc xác định.
Thử thách được báo trước
Trước đó, tại buổi họp báo tổng kết năm 2016, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý, từ năm 2017, Việt Nam thay đổi cách tính lạm phát theo bình quân cả năm so với mức cùng kỳ năm trước, thay cho cách tính cuối năm so với đầu năm.
Với cách tính mới, mục tiêu kiểm soát lạm phát với ngưỡng 4% theo bà Hồng là rất thử thách trong năm 2017.
Tại hội nghị ngành, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đề cập đến các yếu tố bất lợi bên trong và bên ngoài đối với việc thực hiện mục tiêu nói trên.
Thứ nhất, áp lực lên lạm phát rất lớn khi thực mục tiêu tăng trưởng cao đòi hỏi phải có nguồn vốn đầu tư lớn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn.
Thứ hai, giá hàng hoá trên thế giới có xu hướng tăng trở lại, sau những năm định hình vùng đáy.
Thứ ba, trong nước, một số mặt hàng có ảnh hưởng lớn dự kiến sẽ tiếp tục tăng giá năm nay, gây áp lực trực tiếp tới mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Xoay quanh yêu cầu thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, chính sách tiền tệ phải cân đối được các mục tiêu khác: ổn định và phấn đấu giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng hợp lý, ổn định được tỷ giá và giá trị đồng tiền.
Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước xác định mục tiêu phấn đấu giữ ổn định được lãi suất như năm 2016, và với điều kiện cho phép có thể giảm được lãi suất cho vay trung dài hạn.
Trước thềm thực hiện mục tiêu này, có yếu tố mới xuất hiện: sau khi Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tự xử lý và nhận về hết nợ xấu đã bán cho VAMC, đến lượt Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đặt mục tiêu thực hiện được kết quả tương tự. Ít nhất, một hướng mới trong xử lý phần nợ xấu tại VAMC đang từng bước cụ thể.
Và trong định hướng chung, năm 2017 ngành ngân hàng sẽ tập trung xử lý nợ xấu một cách thực chất hơn nữa. Theo đó, lượng vốn tương ứng sẽ được tái tạo, giảm thiểu chi phí để góp thêm điều kiện có thể giảm lãi suất cho vay trung dài hạn.
Về điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục lựa chọn và điều hành theo cơ chế tỷ giá trung tâm, cùng các công cụ hỗ trợ khác để giữ ổn định.
“Chúng tôi đánh giá về cung cầu ngoại tệ, đánh giá về diễn biến tình hình quốc tế và khu vực, đánh giá động thái của nhà đầu tư nước ngoài, động thái của ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt là Mỹ, cho thấy tình hình đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt và chủ động hơn rất nhiều”, Thống đốc cho biết.
Như những dự báo VnEconomy đề cập gần đây, năm 2017, bên cạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá USD/VND cũng sẽ là một thử thách nổi bật.
VneconomyNews
LBL_NEWERNAME
- Khởi nghiệp Israel đứng trước mối lo từ doanh nghiệp ngoại - 10/01/2019
- Giấc mơ FDI chưa thành sự thật của Myanmar - 09/07/2018
- Tiền đồng bị định giá yếu vì một chiếc hamburger - 17/07/2017
- Thước đo của sản phẩm, dịch vụ tài chính nhà băng - 24/05/2017
- Bài toán “cân não” của kinh tế Trung Quốc - 01/04/2017