Thoát khỏi Trung Quốc: Cơ hội mới, iPhone 'made in Vietnam'
- Chuyên mục: Vấn đề Tài chính
- Lượt xem: 3538
- 29 - 01 - 2019
Sự kiện này cũng mở màn cho trào lưu “thoát khỏi Trung” đang dần hình thành khi nhiều tập đoàn nghiên cứu chuyển dây chuyền nhà máy sản xuất sang đất nước đang có tốc độ tăng trưởng cao và gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do. Trong xu thế đó, Việt Nam đang có cơ hội đón dòng vốn lớn
Làn sóng “thoát khỏi Trung Quốc"
Theo hãng tin Bloomberg, nhà sản xuất thiết bị điện tử Foxconn sẽ tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng và sự hiện diện tại Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian tới. Trong giai đoạn từ tháng 9/2018 đến nay, Foxconn đã chi khoảng 213 triệu USD vào nhà máy Ấn Độ và khoảng 16,5 triệu USD để dọn đường cho FIT Hon Teng, công ty con hiện đang sản xuất cáp kết nối cho Iphone, hoạt động ở nhà máy Bắc Ninh.
Hồi tháng 12 năm ngoái hãng tin Reuters cũng tiết lộ Foxconn đã trao đổi với giới chức thẩm quyền về việc xây dựng một cơ sở sản xuất iPhone tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, tập đoàn sản xuất Đài Loan có mặt từ năm 2007 tại Bắc Ninh, Bắc Giang với các sản phẩm như tai nghe, cáp, thiết bị mạng. Trên thế giới, Foxconn là đơn vị gia công cho nhiều thương hiệu, đồng thời là tập đoàn sản xuất linh kiện chủ lực cho Apple, hãng sở hữu điện thoại iPhone. Dù chưa phải là nơi sản xuất cho các loại linh kiện chính, nhưng Foxconn đang mở màn cho làn sóng “di dời” nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh Foxconn, các công ty vệ tinh khác sản xuất linh kiện cho iPhone cũng dự kiến chuyển hướng. Chẳng hạn như GoerTek, hãng chuyên lắp ráp tai nghe AirPods; Cheng Uei, hãng cung cấp bộ sạc và đầu nối iPhone.
Theo một số chuyên gia, việc các đối tác iPhone cân nhắc rời khỏi thị trường Trung Quốc còn một phần vì thị trường đông dân nhất thế giới không còn là mảnh đất màu mỡ như trước kia nữa. Tuy nhiên, không chỉ có hãng công nghệ trị giá gần 750 tỉ USD, mà còn rất nhiều tập đoàn sản xuất dự kiến sẽ rời Trung Quốc để tìm kiếm vùng đất “bình yên” hơn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở Trung Quốc trên 219 công ty, trong đó 1/3 hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cho thấy có 46% công ty đang xem xét chuyển dây chuyền sản xuất ra ngoài. Tương tự, khảo sát của Bloomberg cho thấy có hơn 1/3 trong số 430 doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc sẽ có động thái tương tự, với mục tiêu chính là “né” khoản thuế lên đến 25% vào một số mặt hàng.
Cơ hội Việt Nam đón dòng vốn lớn
Từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra, Đông Nam Á đang là đích nhắm của các nhà đầu tư đang tìm cách di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh bị áp thuế và tận dụng lợi thế địa chính trị và chi phí sản xuất thấp hơn, trong đó, Việt Nam là một địa điểm hấp dẫn.
Trên thực tế, thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy tổng vốn đầu tư FDI trong năm 2018 vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều nhất trong số 18 ngành, đạt 16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn đăng ký.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo |
Trong khi đó, theo báo cáo của Navigos, hãng nghiên cứu về nguồn nhân lực, hiện các công ty FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện tử đã có kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân lực. “Những doanh nghiệp trong lĩnh vực Điện/Điện tử tại Hải Phòng và Bắc Ninh trong Quý 4 cũng có kế hoạch mở rộng quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp mới cũng sẽ chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2019”, báo cáo viết.
Những con số này cho thấy làn sóng vốn đầu tư trực tiếp chảy nhiều hơn vào Việt Nam là có thật, trong đó có cả những dự án “thoát khỏi Trung Quốc”. Rõ rệt nhất là ngành nội thất và dệt may, vốn là 2 ngành mà Việt Nam được hưởng lợi đáng kể từ các Hiệp định thương mại, chứ không chỉ đơn thuần là cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trên thực tế, bên cạnh yếu tố Mỹ - Trung, giới quan sát vĩ mô quốc tế cũng ca ngợi rằng Việt Nam hấp dẫn, đó là chi phí lao động giá rẻ, chi phí điện thấp hơn. Việt Nam còn tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, có tình hình kinh tế vĩ mô và đồng tiền tương đối ổn định.
Tuy nhiên, trong xu hướng dịch chuyển này, Việt Nam không phải là điểm đến duy nhất, mà còn có thể là các quốc gia khác như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Brazil,… theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I, chia sẻ tại cuộc hội thảo về Tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái.
Trước đó, tờ Nikkei của Nhật Bản đưa tin vào cuối tháng 8, đã có ít nhất 4 công ty Nhật lên kế hoạch rời khỏi Trung Quốc, 2 trong số đó về Nhật, 1 về Hàn Quốc còn 1 đang băn khoăn lựa chọn đến Mỹ, Nhật hoặc Mexico.
“Việt Nam chưa hẳn là nơi được hưởng lợi duy nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Coi chừng cái mất còn lớn hơn, chắc chắn các ngành sử dụng nhiều nhân công sẽ tiếp tục khó khăn hơn nữa khi những doanh nghiệp mới đến trả lương cao hơn”, ông Tín bình luận.
Có thể thấy Việt Nam đang ở trong “thế trận” thương mại mới, khi được lợi trong mối quan hệ bất hòa của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, kèm theo đó là những thỏa thuận miễn thuế từ các Hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, song song đó các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ đối mặt với tình trạng cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Vì vậy, làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh mới là câu hỏi đáng quan tâm.
VietnamnetNews
LBL_NEWERNAME
- Góc nhìn từ Philippines: Cần tìm hiểu tại sao Việt Nam thành công - 29/12/2020
- Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam trước cú sốc đại dịch? - 07/04/2020
- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Việt Nam như con nhộng mới lột một nửa, nửa pháp quyền, nửa Xô viết - 19/09/2019
- Đâu sẽ là những ngành công nghiệp phát triển hơn bao giờ hết khi suy thoái thực sự xảy đến? - 26/08/2019
- Thận trọng trước thương chiến (Trung - Mỹ) leo thang - 14/05/2019
LBL_OLDERNAME
- Khởi nghiệp Israel đứng trước mối lo từ doanh nghiệp ngoại - 10/01/2019
- Giấc mơ FDI chưa thành sự thật của Myanmar - 09/07/2018
- Tiền đồng bị định giá yếu vì một chiếc hamburger - 17/07/2017
- Thước đo của sản phẩm, dịch vụ tài chính nhà băng - 24/05/2017
- Bài toán “cân não” của kinh tế Trung Quốc - 01/04/2017