FED tăng lãi suất là đòn thắt thòng lọng nền kinh tế Trung Quốc
- Chuyên mục: Vấn đề Tài chính
- Lượt xem: 1910
- 22 - 12 - 2015
(22/12/2015) Một trong những sự kiện tài chính quan trọng nhất diễn ra trong những ngày cuối cùng của năm 2015 chính là việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chính thức nâng lãi suất cho đồng USD từ 0 lên 0,5%. Giờ đây, với việc nâng lãi suất làm đồng USD tăng giá, FED đang tròng thêm vào cổ Trung Quốc một cái thòng lọng nữa mang tên nợ nước ngoài và tỷ giá hối đoái.
Việc FED quyết định chấm dứt khoảng thời gian gần một thập kỷ duy trì mức lãi suất rất thấp được xem là một quả bom với hàng loạt các nền kinh tế mới nổi trên thế giới. Và người phải hứng chịu nhiều tác động nhất từ sự kiện này không ai khác ngoài Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đồng thời là nền kinh tế mới nổi lớn nhất hành tinh.
Trên thực tế, việc FED quyết định nâng lãi suất đồng USD là một quyết định có tác động mang tính toàn cầu, chứ không chỉ đối với riêng Trung Quốc. Việc FED nâng lãi suất lên 0,5% cũng đồng nghĩa với việc dòng chảy USD trên thế giới sẽ đổi dòng và hướng về Mỹ, dòng vốn đầu tư nước ngoài ở các thị trường mới nổi sẽ bị rút dần và kỷ nguyên đầu tư nước ngoài ồ ạt ở các thị trường này trong khoảng gần 10 năm qua sẽ chính thức kết thúc.
Ngay sau khi FED tuyên bố nâng lãi suất, lập tức hàng loạt các đồng tiền đặc biệt là ở các nước châu Á lập tức có dấu hiệu giảm giá. Các chuyên gia dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì trong suốt năm 2016, và thậm chí sẽ có những đồng tiền sẽ mất giá tới 30% trong năm 2016 qua sự kiện FED nâng lãi suất lần này.
Lẽ dĩ nhiên, Trung Quốc với vai trò là một nền kinh tế mới nổi cũng sẽ phải hứng chịu các tác động này, thậm chí còn bị đánh giá là ở mức độ cao nhất, do Trung Quốc đang là nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn nhất thế giới. Tất cả những tác động mà các thị trường mới nổi phải hứng chịu do FED tăng lãi suất, thì cũng xảy đến với Trung Quốc, ở quy mô lớn nhất.
Trước hết điều này sẽ thúc đẩy xu hướng rút vốn đầu tư nước ngoài ra khỏi Trung Quốc nhanh hơn và với quy mô lớn hơn. Trong năm 2014 có khoảng trên 120 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài bị rút khỏi Trung Quốc, con số này được dự đoán sẽ tăng lên trong năm 2015, và sự kiện FED nâng lãi suất sẽ là một cú huých khiến xu hướng này tăng nhanh hơn nữa.
Các vấn đề về nợ nước ngoài cũng như tỷ giá cũng là những hậu quả mà Trung Quốc phải hứng chịu. Việc FED tăng lãi suất sẽ khiến khối nợ nước ngoài mà các doanh nghiệp Trung Quốc tăng lên đáng kể, nhất là khi đồng nhân dân tệ đang có dấu hiệu sụt giá nghiêm trọng. Đồng nhân dân tệ được dự báo sẽ sụt giá ít nhất là 8% trong thời gian tới, và có thể sụt tổng cộng khoảng 30% trong suốt năm 2016. Nếu điều này là sự thực, thì gánh nợ trên vai các doanh nghiệp và cả những tập đoàn quốc doanh của Trung Quốc sẽ trở thành một cơn ác mộng thực sự.
Tất cả những hậu quả trên sẽ buộc chính phủ Trung Quốc phải tìm cách ứng phó, được dự đoán là Bắc Kinh sẽ buộc phải trích những khoản tiền không nhỏ từ quỹ dự trữ ngoại hối để làm chậm lại các tác động đáng sợ trên. Tính đến thời điểm hiện tại, quỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc chỉ còn khoảng 3.400 tỷ USD sau khi Bắc Kinh đã rút hơn 500 tỷ USD để cứu thị trường chứng khoán hồi giữa tháng Tám.
Theo tính toán, sau khi FED nâng lãi suất thì Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ phải chi khoảng 100 tỷ USD mỗi tháng để giải quyết các khó khăn kể trên do đồng USD tăng giá. Và xu hướng này được dự báo sẽ diễn ra trong ít nhất là phân nửa thời gian của năm 2016.
Điều đáng chú ý ở đây là, thời điểm FED chọn để nâng lãi suất lại diễn ra ngay sau khi Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định chọn nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ dự trữ. Việc IMF chọn nhân dân tệ vào giỏ tiền dự trữ đồng nghĩa với việc chính phủ Trung Quốc trong tương lai sẽ phải dần tự do hóa đồng nội tệ của mình, để thị trường quyết định giá trị đồng nhân dân tệ thay vì sử dụng các biện pháp hành chính để ghìm giá như trước.
Và việc FED nâng lãi suất ngay sau khi IMF chọn nhân dân tệ khiến cho chính phủ Trung Quốc đã mất đi công cụ tiện lợi và hiệu quả nhất để ổn định giá trị đồng nội tệ mà trước nay họ vẫn làm. Điều này khiến cho nhiều người Trung Quốc đang nghĩ tới kịch bản một cú chơi khăm vĩ đại mà Mỹ dành tặng cho Trung Quốc, tương tự như hồi năm 2008.
Khi đó, để cứu vãn tình thế trong cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, FED đã bơm USD ồ ạt ra thị trường, điều này khiến cho quỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc khi đó chủ yếu là USD đã bốc hơi một lượng đáng kể chỉ sau một đêm. Với việc làm mất giá đồng USD khi đó, FED đã nẫng một lượng lớn tài sản của Trung Quốc về để cứu thị trường tài chính Mỹ. Còn giờ đây, với việc nâng lãi suất làm đồng USD tăng giá, FED đang tròng thêm vào cổ Trung Quốc một cái thòng lọng nữa mang tên nợ nước ngoài và tỷ giá hối đoái.
Điều nghịch lý ở đây là, chính phủ Trung Quốc đã kỳ vọng vào việc IMF chọn nhân dân tệ làm đồng tiền dự trữ quốc tế có thể khiến tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và của người dân Trung Quốc vào đồng nhân dân tệ hơn bao giờ hết. Thì giờ đây với việc FED nâng lãi suất, nó đã khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài chọn cách rút vốn ra khỏi thị trường Trung Quốc hơn bao giờ hết, bằng cách bán nhân dân tệ và rút USD. Còn người dân Trung Quốc thì hoài nghi về giá trị đồng tiền mà họ đang nắm giữ hơn hết, khi mà nó đang bị dự báo có thể mất giá tới 30% trong năm 2016.
Có thể dự đoán được Bắc Kinh sẽ làm gì để ổn định tình hình, bằng cách bơm USD ra thị trường để ổn định tỷ giá, nhưng để làm điều đó một cách liên tục trong suốt năm 2016, thì con số sẽ là không hề nhỏ. Và đồng nghĩa với việc quỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ teo tóp lại đáng kể. Suốt những năm qua, Trung Quốc mạnh tay đầu tư và chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là nhờ ở khối dự trữ ngoại tệ khổng lồ làm bảo hiểm của mình, nhưng khi mà quỹ bảo hiểm này teo tóp và thu nhỏ lại, thì mọi chuyện sẽ trở nên khác hẳn.
MotthegioiNews
LBL_NEWERNAME
- Vì sao giá cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh ? - 30/04/2016
- 500 DN xuất sắc nhất Việt Nam: Niềm tin và kỳ vọng tăng trưởng - 14/04/2016
- Việt Nam - Khi bài toán lãi suất trở nên nan giải với tăng trưởng kinh tế - 08/03/2016
- Tỷ phú Soros: Đà suy giảm của Trung Quốc sẽ lan ra toàn cầu - 20/01/2016
- Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Lãi suất khó giảm tiếp - 29/12/2015