Vì sao giới chủ đề xuất tăng lương tối thiểu 10-12%?
- Chuyên mục: Tin BHXH - Lao động
- Lượt xem: 2256
- 07 - 06 - 2014
Ngày 5/6, tại tọa đàm lần thứ 3 về quan hệ lao động - đề xuất của người sử dụng lao động về phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2015, đại diện người sử dụng lao động khuyến nghị mức tăng lương tối thiểu năm 2015 tại doanh nghiệp (doanh nghiệp) nên là 10-12%. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phùng Quang Huy, Giám đốc văn phòng giới sử dụng lao động, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Căn cứ vào đâu để VCCI đưa ra kiến nghị mức điều chỉnh lương tối thiểu áp dụng năm 2015 là 10 - 12%, thưa ông?
Chúng tôi căn cứ vào cách tính lấy mức tăng GDP, cộng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và căn cứ vào mức thu nhập bình quân và sinh hoạt phí trung bình. Có thể hiểu, cứ GDP tăng 1% thì lương tối thiểu tăng 0,9%. Dự kiến GDP năm nay tăng 4,5-5% thì lương tối thiểu tăng khoảng 4,5%, cộng thêm chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 6,5%. Như vậy mức đề xuất tạm tính là không quá 12%.
Ông đánh giá thế nào chi trả tiền lương của các doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi kinh tế chưa thực rõ nét?
Trong bối cảnh hiện nay, VCCI thấy doanh nghiệp rất khó khăn. Mức tăng lương tối thiểu tại doanh nghiệp tương đương với mức tăng của CPI từ năm 2010 đến năm 2011. Tuy nhiên, từ năm 2012, mức tăng lương tối thiểu tại doanh nghiệp cao gần gấp 3 lần mức tăng của CPI. Điều này là bất hợp lý khi tăng lương tối thiểu tại doanh nghiệp nhiều hơn rất nhiều so với CPI và GDP.
Trong khi doanh thu của doanh nghiệp không thay đổi trong những năm gần đây thì quỹ lương của doanh nghiệp luôn tăng. Chưa kể, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn khi giá trị gia tăng sản xuất của người lao động không tăng. Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản là rất lớn và có thể tiếp tục tăng do suy thoái kinh tế.
Vậy việc đề xuất của VCCI có nhận được đồng thuận từ phía chủ sử dụng lao động không, thưa ông?
Tỉ lệ tăng lương hiện nay luôn tăng cao hơn với tăng năng suất lao động. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất nên tăng lương thấp hơn nhiều so với năm 2013-2014. Một số ý kiến mạnh mẽ hơn cho rằng nên tạm dừng tăng lương tối thiểu trong năm 2015.
Chúng tôi bước đầu còn đang thực hiện và tính toán, điều chỉnh lương tối thiểu năm 2015. Cách làm phải thống nhất với Hội đồng tiền lương quốc gia và cuối cùng Hội đồng tiền lương quốc gia phải là đơn vị đưa ra quyết định và phải có tiếng nói để phù hợp trước cộng đồng doanh nghiệp cũng như cộng đồng người lao động, đảm bảo bình ổn quan hệ lao động.
Thưa ông, theo khảo sát của VCCI thì ngành nghề nào sẽ gặp khó khăn nhất khi điều chỉnh lương tối thiểu?
Hiện nay dệt may, da giày, chế biến, thủy sản là những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất hoặc doanh nghiệp FDI từ khu vực Bình Dương, Đồng Nai cũng có những yêu cầu cần xem xét lại việc có hay không việc tăng lương.
Thực tế, hiện nay, ngành dệt may đang sử dụng 2,5 triệu lao động, nữ chiếm hơn 80%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của yêu cầu tăng lương tối thiểu quá nhanh, gánh nặng về chi phí đóng bảo hiểm xã hội, nộp phí công đoàn nên buộc các doanh nghiệp phải tính toán kỹ việc tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư mở rộng nhưng vì lý do này đã chững lại.
VneconomyNews