Cục thuế thua kiện vụ truy thu thuế 5,6 tỉ đồng liên quan đến "Khuyến mãi" hay "Chiết khấu"
- Chuyên mục: Tin Chính sách Thuế
- Lượt xem: 2267
- 25 - 09 - 2015
(25/09/2015) - Doanh nghiệp cho rằng mình thực hiện “chiết khấu”, trong khi Cục Thuế TP.HCM lại bảo đó là “khuyến mãi” nên truy thu thuế và phạt 5,6 tỉ đồng. Chiều 18-9, TAND TP.HCM đã mở phiên tòa hành chính xét xử vụ Công ty Cổ phần Thương mại Phú Lễ Việt Nam kiện Cục Thuế TP.HCM. Công ty Phú Lễ khởi kiện vì bị Cục Thuế TP truy thu và phạt gần 5,6 tỉ đồng thuế. Vụ việc này xuất phát từ sự lấn cấn trong cách hiểu giữa “khuyến mãi” và “chiết khấu thương mại”.
Công ty chiết khấu, bên thuế không chịu
Phú Lễ chuyên bán sỉ rượu nếp và rượu chuối hột, có hợp đồng với nhà phân phối quy định các tỉ lệ chiết khấu nếu nhà phân phối đạt điều kiện. Cụ thể là nhà phân phối mua hàng thì hưởng chiết khấu 5%, cộng thêm chiết khấu 1% hằng tháng nếu nhà phân phối đạt các chỉ tiêu mua vào - bán ra của tháng (trên 100 triệu đồng).
Công ty đã lập các hóa đơn, khai báo thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế về chiết khấu thương mại.
Tháng 5-2014, công ty này bị thanh tra. Cơ quan thuế cho rằng chiết khấu là một dạng khuyến mãi, còn rượu là hàng cấm khuyến mãi. Vì vậy cơ quan thuế bác bỏ các khoản chiết khấu, áp lại mức doanh thu và thuế theo giá bán không có chiết khấu. Từ đó Cục Thuế TP ra quyết định truy thu và phạt gần 5,6 tỉ đồng đối với Phú Lễ (trên 1,6 tỉ đồng thuế GTGT, gần 2,8 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, phạt chậm nộp gần 320 triệu đồng, phạt vi phạm hành chính gần 830 triệu đồng).
Công ty Phú Lễ đã khiếu nại Cục Thuế, sau đó khiếu nại đến Tổng cục Thuế. Kết quả hai lần khiếu nại đều... thua. Từ đó, công ty này đã kiện ra tòa yêu cầu hủy quyết định truy thu phạt thuế 5,5 tỉ đồng.
Không ghi số lượng bị bác chiết khấu?
Tại tòa, đại diện Công ty Phú Lễ cho rằng không có văn bản nào quy định chiết khấu là một hình thức của khuyến mãi. Đặc biệt, Cục Thuế TP từng có văn bản hỏi Tổng cục Thuế về phân biệt khuyến mãi và chiết khấu thương mại thì được Tổng cục Thuế hướng dẫn cách xử lý thuế, lập hóa đơn, tính thuế cho trường hợp khuyến mãi và cách xử lý thuế, lập hóa đơn, tính thuế cho trường hợp chiết khấu. Hai cách này hoàn toàn khác nhau, cho thấy chiết khấu không phải là khuyến mãi. Công ty đã thực hiện chiết khấu chứ không thực hiện khuyến mãi.
Ngược lại, đại diện Cục Thuế TP đưa ra lý lẽ rằng: Quy định về chiết khấu thương mại là áp dụng cho người mua hàng với số lượng lớn. Trong khi các hợp đồng của Phú Lễ đã không nói rõ bao nhiêu mới được chiết khấu, chỉ ghi trên 100 triệu đồng, mà số tiền thì không được xem là... số lượng lớn! Vì vậy Phú Lễ đã thực hiện khuyến mãi chứ không phải chiết khấu.
Tranh luận với ý kiến của Cục Thuế, luật sư bảo vệ cho Phú Lễ dẫn chứng Thông tư 06/2012 của Bộ Tài chính về thuế giá trị gia tăng và cho rằng Cục Thuế đã dẫn chứng sai quy định. Quy định dùng cụm từ “khối lượng lớn”, có nghĩa là số lượng sản phẩm cũng được mà giá trị tính bằng tiền cũng được. Đặc biệt tại khoản 22 Điều 7 của thông tư này nói rõ “chiết khấu thương mại căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hóa, dịch vụ...”. Như vậy, doanh nghiệp có quyền thỏa thuận chiết khấu dựa trên doanh số.
Ông Trần Anh Thuy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Phú Lễ, cũng phản biện: Ngay cả khi xem chiết khấu là khuyến mãi đi nữa thì công ty cũng không sai. Bởi vì cơ quan thuế cho rằng rượu bị cấm khuyến mãi. Đúng là Luật Thương mại có cấm khuyến mãi với rượu nhưng Điều 100 của Luật Thương mại nói rõ cấm đối với “rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên” chứ không cấm toàn bộ rượu! Rượu của Phú Lễ là rượu nếp 26 độ cồn, rượu chuối hột 26 độ, 29 độ cồn nên được phép khuyến mãi và việc khai giá, khai thuế của công ty là phù hợp.
Tòa tạm ngưng phiên xử sau phần tranh luận, đến thứ Sáu (25-9) sẽ xử tiếp.
Vào ngày 25/09/2015,
Theo tòa, quyết định truy thu và phạt 5,6 tỉ đồng của cơ quan thuế có một phần không đúng quy định pháp luật nên tuyên hủy.
Truy thu không có cơ sở
Trong vụ việc trên, Công ty Phú Lễ bán sỉ rượu nếp và rượu chuối hột, có hợp đồng với đại lý kèm thỏa thuận nếu đại lý mua hàng đạt doanh số trên 100 triệu đồng thì được hưởng chiết khấu thương mại 5%. Tuy nhiên, khi thanh tra, Cục Thuế TP.HCM cho rằng khoản chiết khấu này không được chấp nhận, xem đây là khuyến mãi. Do đó, doanh thu của Phú Lễ bị xác định lại cao hơn và truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp (DN).
Tại phiên xử ngày 18-9 (thứ Sáu tuần trước), đại diện Cục Thuế TP cho rằng thỏa thuận dựa trên doanh số là không đúng quy định mà phải thỏa thuận dựa trên “số lượng lớn” mới được xem là chiết khấu.
Sau khi nghị án kéo dài, chiều 25-9, TAND TP.HCM tuyên án với nhận định việc chiết khấu thương mại được quy định trong các chuẩn mực kế toán, theo Luật Kế toán, trong khi quy định về khuyến mãi thực hiện theo Luật Thương mại. Tòa khẳng định chiết khấu thương mại không đồng nghĩa với khuyến mãi.
Ngoài ra, tòa cho rằng quy định về chiết khấu yêu cầu thỏa thuận về “khối lượng lớn” (không phải “số lượng lớn” như đại diện Cục Thuế trình bày). Trong các hợp đồng của Phú Lễ có nói rõ đại lý hưởng chiết khấu nếu đạt doanh số trên 100 triệu đồng, có đính kèm phụ lục bảng giá sản phẩm từ 27.000 đồng/chai đến 230.000 đồng/chai rượu, vậy là đã đáp ứng đủ điều kiện về chiết khấu. Do đó, tòa tuyên việc truy thu của cơ quan thuế là không có cơ sở.
Tặng, cho phải... thông báo khuyến mãi
Trong quyết định truy thu và phạt thuế bị kiện còn một khoản truy thu thuế giá trị gia tăng của các sản phẩm mà Phú Lễ tặng, cho các đại lý. Cụ thể như tặng chai rượu mẫu, ly uống rượu, xô ướp rượu... cho đại lý trưng bày, sử dụng, tặng khách mua lẻ...
Tại tòa, cơ quan thuế cho rằng quy định về khuyến mãi trong Luật Thương mại có hình thức đưa hàng mẫu, tặng sản phẩm nên việc tặng, cho sản phẩm của Phú Lễ được xem là một hình thức khuyến mãi. DN phải đăng ký/thông báo về chương trình khuyến mãi với Sở Công Thương thì mới được chấp nhận khấu trừ về thuế. Trong khi đó Phú Lễ không thông báo khuyến mãi nên không được khấu trừ, phải trả lại phần thuế giá trị gia tăng đã khấu trừ.
Theo Cục Thuế TP, DN có thể tặng cho với rất nhiều mục đích. Ví dụ, tặng cho khách hàng là phục vụ sản xuất, kinh doanh, tặng cho người nghèo là làm từ thiện, tặng cho cán bộ thuế là ngoại giao. DN tặng cho ai thì cơ quan thuế làm sao biết được, cơ quan thuế không có thời gian kiểm tra DN tặng ai! Vì vậy, không có thông báo khuyến mãi thì không phải là phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Tòa nhận định tương tự cơ quan thuế, cho rằng việc tặng sản phẩm mà không gửi thông báo khuyến mãi thì không được xem là khoản tặng, cho phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh. Do đó cơ quan thuế không cho Phú Lễ khấu trừ thuế, cần truy thu thuế là có cơ sở.
Từ đó, tòa tuyên quyết định truy thu và phạt 5,6 tỉ đồng của cơ quan thuế có một phần không đúng quy định pháp luật. Các khoản truy thu và phạt (trên 1,6 tỉ đồng thuế GTGT, gần 2,8 tỉ đồng thuế thu nhập DN, phạt chậm nộp gần 320 triệu đồng, phạt vi phạm hành chính gần 830 triệu đồng) có liên quan với nhau nên cơ quan thuế phải giải quyết lại việc truy thu, phạt thuế cho đúng quy định.
Như vậy, theo quyết định của tòa, DN chỉ không được chấp nhận khoảng 80 triệu đồng, con số rất nhỏ so với 5,6 tỉ đồng trong quyết định của Cục Thuế TP mà Phú Lễ yêu cầu tòa xử bác quyết định. Nói cách khác, Phú Lễ đã thắng kiện gần như hoàn toàn.
Theo Pháp Luật TP.HCM
LBL_NEWERNAME
- Bộ Tài chính quyết không đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt - 02/06/2016
- Formosa bị truy thu, truy hoàn thuế gần 2.000 tỉ đồng - 25/05/2016
- Những thay đổi quan trọng về chính sách thuế và quản lý thuế từ 01/07/2016 - 16/05/2016
- Thế giới sôi sục vì vụ Panama Papers - 06/04/2016
- VN vẫn cần tới 770 giờ để nộp thuế - 29/10/2015