Những điểm mới của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2020

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung nhiều điều khoản để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của quản lý thuế. Cụ thể, bổ sung quy định đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác. Theo đó, nếu nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nhưng có hoạt động cung cấp dịch vụ vào nội địa, thì phải có nghĩa vụ trực tiếp, hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Luật cũng quy định, cơ quan thuế có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; quản lý giám sát dòng tiền, thực hiện khấu trừ thuế đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ trong trường hợp tổ chức kinh doanh không có hiện diện thương mại tại Việt Nam. 

A- Về cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế cho người nộp thuế, Luật rút ngắn thời gian từ 10 ngày xuống còn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp bị mất, rách, nát, cháy giấy chứng nhận đăng ký thuế, hoặc thông báo mã số thuế, cơ quan thuế cấp lại trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị so với 5 ngày làm việc như trước đây.
      Mặt khác, nếu Luật Quản lý thuế trước đây quy định thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý; chậm nhất là ngày thứ 30 của tháng đầu tiên của năm dương lịch, hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm; chậm nhất là ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch, hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm, thì Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung theo hướng, thời hạn nộp thuế là ngày cuối cùng của tháng, quý có liên quan để thuận tiện cho người nộp thuế và cơ quan thuế trong việc xác định ngày nộp hồ sơ khai thuế. Đồng thời, quy định thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với trường hợp người nộp thuế thông qua giao dịch điện tử, khi cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế gặp sự cố. Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 44, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định lùi thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (theo quy định hiện hành, thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế của cá nhân trùng với thời hạn quyết toán thuế TNCN của DN).

B- Một thay đổi nữa là, Luật Quản lý thuế trước đây quy định, trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh kiểm tra tại trụ sở, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp có sai sót gây ảnh hưởng đến số thuế phải nộp, thì được khai bổ sung. Dù vẫn thống nhất quan điểm xử lý, nhưng Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung theo hướng, người nộp thuế chỉ được khai bổ sung trong thời hạn 10 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, để phù hợp với quy định thời hạn truy thu tiền thuế là 10 năm, kể từ khi có hành vi vi phạm. Đồng thời, quy định người nộp thuế được khai bổ sung tăng nghĩa vụ thuế trong và sau thanh kiểm tra, nhưng vẫn bị xử phạt như đối với trường hợp cơ quan thuế kiểm tra phát hiện; trường hợp khai bổ sung làm giảm nghĩa vụ thuế, thì thực hiện theo quy định về giải quyết khiếu nại về thuế, nhằm mục đích đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật thuế và giảm tiền chậm nộp thuế cho người nộp thuế. Luật cũng bổ sung quy định mức tiền lãi phải thanh toán cho người nộp thuế theo tỷ lệ 0,03%/ngày trong trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp được xác định theo kết quả xử lý khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền, phù hợp với việc tính tiền chậm nộp tiền thuế trong trường hợp nộp thiếu. Đồng thời, quy định rõ nguồn tiền trả lãi từ ngân sách trung ương.

Quốc hội thông qua Luật Quản lý Thuế năm 2019.

C- Theo quy định trước đây, cá nhân có số thuế phải nộp thêm sau quyết toán dù là rất nhỏ, cũng phải có trách nhiệm thực hiện quyết toán với cơ quan thuế. Đồng thời, đối với cơ quan thuế cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính theo quy định mà không phân biệt mức thuế lớn hay mức thuế nhỏ. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cải cách thủ tục hành chính, Điều 79, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định, miễn thuế đối với cá nhân có số tiền thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế TNCN từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống.

D- Cũng nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung quy định khoanh tiền thuế nợ (Điều 83) đối với một số trường hợp: người nộp thuế đã chết, người bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế có quyết định giải thể gửi các cơ quan chức năng; người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh; người nộp thuế đã bị cơ quan thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thời gian khoanh nợ tính từ ngày cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hoặc từ ngày có hiệu lực của quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký DN, hợp tác xã, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. Điều 84 cũng quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; bổ sung quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ. Tuy nhiên, tại Khoản 5, Điều 51, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của DN siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai.

E- Ngoài ra, nhằm hỗ trợ DN trong thời gian đầu hoạt động sản xuất kinh doanh thường gặp khó khăn về vốn dẫn đến nợ thuế, Luật đã bổ sung quy định về nộp dần tiền thuế nợ. Theo đó, Điều 124 quy định, chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế khoanh tiền thuế nợ trong thời hạn khoanh nợ; không tính tiền chậm nộp thuế theo quy định của luật này; được nộp dần tiền thuế nợ trong thời hạn nhưng không quá 12 tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế.

Tạp Chí Thuế - Tổng Cục Thuế
Hỗ Trợ Trực Tuyến
 
CongTy PhuNamHai 260 270

TrungTam Daihoc KinhTe 260 270

f and y 260 270
Lead talent 260 270

Lượt Truy Cập

Hôm nay: 1157 Hôm qua: 1080 Tổng truy cập: 1282203 Số người đang online: 25

THÔNG TIN VỀ QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH

Dịch vụ và Tư vấn Thuế - Kế toán : 028.3932 6401 - 028.3932 6473
Tư vấn Quản lý và Nhà Thầu : 028.3932 6403 - 0945 168 743
Tư vấn Tổ chức và nhân sự : 028.3932 6341028.3890 9670

^