Những thách thức trong thực hiện chính sách BHXH ở Việt nam
- Chuyên mục: Chính sách BHXH, Lao động
- Lượt xem: 4953
- 15 - 02 - 2010
Đến nay Bảo hiểm xã hội (BHXH) ở Việt Nam đã trải qua chặng đường hơn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển với 2 thời kỳ quan trọng: Thời kỳ trước năm 1995, chế độ BHXH được hình thành cùng với cơ chế quản lý nền kinh tế hành chính tập trung dưới sự bao cấp của Nhà nước về BHXH. Từ sau năm 1995, cùng với sự ra đời của nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, chính sách BHXH cũng được cải cách cho phù hợp với công cuộc đổi mới của đất nước. Đến cuối năm 1980 và đầu những năm 1990, việc thu BHXH do Bộ Tài chính thực hiện được tính vào khoản thu ngân sách Nhà nước mà không hình thành quỹ BHXH độc lập. Thời kỳ này việc chi chế độ hưu trí, mất sức lao động và tử tuất do NSNN đảm nhiệm được tính trong kế hoạch chi NSNN hàng năm.
Bên cạnh những ưu điểm là ổn định cuộc sống cho hàng triệu cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang... việc thực hiện chế độ BHXH của thời kỳ này đồng thời đã bộc lộ những tồn tại và hạn chế. Đó là: Chỉ những người lao động trong khu vực Nhà nước mới được hưởng chế độ BHXH, đối tượng tham gia BHXH vì thế cũng hạn hẹp. Nhà nước không hình thành quỹ BHXH nên việc thu - chi quỹ BHXH được tính trong NSNN, do NSNN đảm bảo, trong khi yêu cầu chi năm sau đều cao hơn năm trước đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động, người đã nghỉ hưu, đồng thời ảnh hưởng đến việc cân đối NSNN. Mặt khác, việc quản lý BHXH thời kỳ này do nhiều cơ quan cùng thực hiện nên bị phân tán, không thống nhất trong thực hiện chế độ về đối tượng, điều kiện hưởng, mức lương và thời hạn hưởng...
Để kịp thời khắc phục những tồn tại nói trên, năm 1994 Quốc hội đã ban hành Bộ Luật Lao động; trong đó có chương XII về BHXH. Theo đó, Chính phủ cũng đã ban hành Điều lệ BHXH, kèm theo Nghị định số 12/CP về cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam , để thống nhất thực hiện chính sách BHXH và quản lý quỹ BHXH theo cơ chế mới. Như vậy là từ năm 1995 đến nay, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc ở nước ta bao gồm cả người lao động trong các thành phần kinh tế có sử dụng 10 lao động trở lên, quỹ BHXH cũng được hình thành từ việc đóng BHXH của người sử dụng lao động và người lao động đồng thời được quản lý thống nhất, tập trung, độc lập với NSNN, được Nhà nước bảo hộ. Từ đầu năm 2003 thực hiện Điều lệ BHXH bổ sung sửa đổi, mọi người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thuộc các thành phần kinh tế dù trong biên chế hay ngoài biên chế, đều có quyền và nghĩa vụ tham gia BHXH bắt buộc.
Những kết quả ban đầu
Nếu năm 1995 cả nước có 2,85 triệu người tham gia thì đến cuối năm 2003 đã có 5,24 triệu người tham gia BHXH. Nếu chỉ tính trong vòng 8 năm, BHXH đã giải quyết cho hơn 1 triệu người nghỉ hưu và trợ cấp BHXH một lần thì bình quân mỗi năm nước ta tăng 40 vạn người, bằng khoảng 1% nguồn lao động xã hội. Năm 1993 cả nước có 3,7 triệu người tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT) thì đến năm 2003 số người tham gia BHYT là 16,8 triệu người, chiếm khoảng 21% dân số cả nước. Ngoài loại hình BHYT bắt buộc, bước đầu BHYT tự nguyện đã đuợc triển khai thực hiện, đến năm 2003 đã có 4,6 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT tự nguyện.
Cùng với việc tăng trưởng số người tham gia đóng BHXH, thời gian qua BHXH Việt Nam còn đảm bảo việc chi trả trợ cấp hàng tháng các chế độ: tuất, hưu trí, mất sức lao động... cho gần 2 triệu người đảm bảo đúng đối tượng, đủ số lượng, kịp thời, tận tay đối tượng. Chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú có thẻ BHYT ngày càng được nâng cao. Đến nay trên 90% bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại các bệnh viện được điều trị bằng thẻ BHYT; những người hưu trí, mất sức lao động đều được chăm sóc sức khoẻ theo BHYT. Ngoài ra Đảng và Nhà nước còn thực hiện chế độ BHYT cho người nghèo từ nguồn NSNN.. .
Có thể nói, từ năm 1995 đến nay, đối tượng tham gia BHXH ở nước ta đã từng bước được mở rộng, đảm bảo cho việc thực hiện chính sách BHXH được tiến hành vững chắc, mang lại niềm tin cho người lao động vào việc cải cách chính sách BHXH. Việc hình thành hệ thống BHXH Việt Nam tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương nhằm chuyên môn hoá việc tổ chức thực hiện các chính sách, chế dộ BHXH theo đúng quy định, đảm bảo tính nghiêm minh, thống nhất trong cả nước, đã tạo điều kiện cho hệ thống BHXH chủ động cải cách hành chính trong lập hồ sơ và quy trình giải quyết các chế độ BHXH cho nguời tham gia BHXH ngày càng tốt hơn.
Thách thức và mục tiêu, biện pháp sẽ triển khai.
Bên cạnh những kết quả đạt được đáng khích lệ, hiện tại BHXH Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức và tồn tại. Đó là: Đối tượng tham gia BHXH đến cuối năm 2003 mới chiếm khoảng 14% lực lượng lao động xã hội, số người tham gia BHYT mới chếm trên 21% dân số cả nước. Với mức đóng và mức hưởng chế độ hưu trí như hiện nay, cùng với việc đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng do quỹ BHXH đảm bảo tăng nhanh, thì quỹ trợ cấp BHXH sẽ không cân đối được lâu dài.
Mặc dù Nhà nước đã cải cách về BHXH, nhưng đến nay một số chế độ BHXH cũ vẫn được thực hiện đối với những đối tượng hưởng BHXH thời kỳ trước năm 1995. Vì vây, việc cải cách trong lĩnh vực BHXH không thể thực hiện tại một thời điểm nhất định, mà cần có thời gian cần thiết để chuyển đổi nhận thức, cũng như để thay thế bằng một hệ thống chính sách BHXH thống nhất.
Thực hiện mục tiêu không ngừng mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và Bảo hiểm hưu trí tự nguyện, tiến tới BHXH cho mọi người lao động, thực hiện BHYT toàn dân, phấn đấu đến năm 2010 có khoảng 12 triệu người tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 22% lao động xã hội), khoảng 60 triệu người tham gia BHYT (chiếm 70% dân số); thực hiện tham gia BHXH, BHYT tất cả các đối tượng thuộc diện bắt buộc, thu đủ, kịp thời để thực hiện đầy đủ chế độ BHXH, BHYT đúng đối tượng, kịp thời, đầy đủ từ quỹ BHXH để giảm dần nguồn chi từ NSNN. Hiện nay BHXH Việt Nam đang tập trung các biện pháp để triển khai chính sách mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với tất cả những đối tượng quy định của pháp luật, mà trọng tâm là lao động thuộc khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, tiến tới mở rộng đến đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động tự tạo việc làm có thu nhập ổn định. Đồng thời mở rộng đối tượng tham gia BHYT đối với người lao động ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có dưới 10 lao động, thân nhân của người tham gia BHYT bắt buộc, học sinh, sinh viên, người lao động tự do có thu nhập ổn định, những người thuộc diện chính sách xã hội, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi... Tiến tới phủ kín mạng lưới BHXH và thực hiện BHXH tự nguyện đối với người lao động chưa thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không ngừng mở rộng diện theo đơn vị và cộng đồng BHYT tự nguyện, để thực hiện từng bước BHYT toàn dân.
Thời báo Tài chính
LBL_NEWERNAME
- Tăng lương tối thiểu, người lao động sẽ chịu thiệt? - 15/10/2015
- Đã tính toán kỹ việc “Tăng tuổi làm, giảm lương hưu”? - 15/05/2014
- Quỹ Hưu trí bổ sung: Khó khả thi? - 29/04/2013
- Những bất cập liên quan đến vấn đề trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc của người lao động hiện nay - 23/02/2010
- Chính sách thị trường lao động, việc làm của một số đảng - 21/02/2010