Những bất cập liên quan đến vấn đề trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc của người lao động hiện nay

08082010_4Trước đây, khi người lao động thôi việc thì được hưởng trợ cấp thôi việc do doanh nghiệp chi trả và mức chi trả được tính “một năm thâm niên được hưởng ½ tháng lương đóng BHXH”. Tại Thông tư 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/05/2009 thì từ 01/01/2009, việc tính trợ cấp thôi việc không áp dụng nữa vì doanh nghiệp đã đóng BHTN cho NLĐ. Điều này làm nẩy sinh một số vấn đề bất cập trong chính sách dành cho người lao động.

Trong vấn đề này, chúng ta không bàn đến “trợ cấp mất việc”. Trợ cấp mất việc được hướng dẫn tại Điều 17, Bộ luật Lao động. Theo đó, khi thay đổi cơ cấu mà cho người lao động thôi việc (tức là làm cho người lao động mất việc) thì Doanh nghiệp phải thanh toán cho người lao động (có thời gian làm việc trên 1 năm) một khoản “trợ cấp mất việc” là mỗi năm thâm niên được hưởng 1 tháng lương, và tối thiểu là 2 tháng lương. Cụ thể tại Nghị định 39/2003/NĐ-CP ngày 18/04/2003, hướng dẫn tại các Điều 11, 12, 13. Trong đó, tại điều 13, Nghị định 39 cũng hướng dẫn hàng tháng trích từ 1% đến 3% Quỹ lương đóng BHXH để trích lập “quỹ dự phòng trợ cấp mất việc”.

Ở đây, điều cần bàn là “trợ cấp thôi việc”. Nghị định 44/2003/NĐ-CP hướng dẫn tại Điều 14 v/v Doanh nghiệp có nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc cho người lao động trong trường hợp chấm dứt Hợp đồng lao động (đối với người lao động đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Lao động trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 36 của Bộ luật Lao động; Điều 37, các điểm a, c, d và điểm đ khoản 1 Điều 38, khoản 1 Điều 41, điểm c khoản 1 Điều 85 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung.) Nguồn kinh phí trả cho “Trợ cấp thôi việc” tính vào Chi phí (TK 642). Thời gian làm việc là từ 12 tháng trở lên sau đó, nếu từ 1 tháng đến 6 tháng thì làm tròn thành 6 tháng, trên 6 tháng thì làm tròn thành 1 năm. Mức trợ cấp là mỗi năm làm việc thì được hưởng ½ tháng lương và phụ cấp (nếu có).

Đến đây chắc cũng không có gì “phàn nàn” nếu không có Luật BHXH ban hành năm 2006 với các điều khoản liên quan đến “Trợ cấp thất nghiệp”. Theo Luật BHXH ban hành năm 2006, điều khoản bảo hiểm thất nghiệp được áp dụng từ 01/01/2009, và chỉ áp dụng trợ cấp thất nghiệp đối với NLĐ đã đóng đủ BHTN từ 12 tháng trở lên (Điều 81). Theo Điều 3 Luật này, “Người thất nghiệp là người đang đóng bảo hiểm thất nghiệp mà bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng chưa tìm được việc làm.” Và được hưởng tối thiểu từ 3 tháng trợ cấp thất nghiệp trở lên (60% mức lương trước thất nghiệp). Nhưng không được hưởng quá 1 năm. (Điều 82).

Sau đó, tại Thông tư 17/2009/TT-BLĐTBXH thì hướng dẫn (do thời gian từ 01/01/2009 đã đóng BHTN rồi, nên) việc tính trợ cấp thôi việc theo thâm niên chỉ dừng đến 31/12/2008 thôi.

Vấn đề nằm ngay ở điểm là, chúng ta không có “định nghĩa về trợ cấp thất nghiệp”. Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền nuôi sống cho NLĐ trong thời gian NLĐ bị thất nghiệp, tức là hoàn toàn không liên quan đến vấn đề công tác trước đó. Ở đây có 2 điều cần quan tâm. Thứ nhất, giả sử người lao động thôi việc vào tháng 06/2009, thì trợ cấp thôi việc của NLĐ chỉ được tính đến 31/12/2008, trong khi NLĐ không hưởng được trợ cấp thất nghiệp vì thời gian đóng BHTN mới được 6 tháng! Đây là một thiệt thòi. Thứ hai, giả sử NLĐ đóng đủ trên 12 tháng BHTN nhưng khi nghỉ việc cơ quan cũ sang làm cơ quan mới, thì “vì không thất nghiệp nên không hưởng BHTN” và cũng không được Cơ quan cũ “trợ cấp thôi việc”. Đây chính là điểm thứ hai làm người lao động bị thiệt thòi.

Thử phân tích khái niệm “trợ cấp thôi việc”. Nếu khoản trợ cấp thôi việc là “để hỗ trợ người lao động không còn việc làm trong thời gian đi xin việc mới” thì có thể đánh đồng và thay thế bởi BHTN. Nhưng thật ra, từ lâu nay, người lao động nghỉ việc Cơ quan cũ sang làm Cơ quan khác vẫn hưởng “Trợ cấp thôi việc”. Trong các văn bản trước đây nói về “nghĩa vụ doanh nghiệp phải chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động” không có văn bản nào giải thích mục đích, ý nghĩa của “trợ cấp thôi việc”. Điều này làm cho hầu hết NLĐ cho rằng trợ cấp thôi việc là một khoản nghĩa vụ mà doanh nghiệp trả cho thời gian cống hiến lâu dài tại doanh nghiệp và khi ra đi họ được hưởng. Nếu đó là một khoản trợ cấp cho thời gian cống hiến tại doanh nghiệp thì lại càng không thể thay thế “trợ cấp thôi việc” bằng “bảo hiểm thất nghiệp”.

Nếu phân tích đúng hơn, thì “Trợ cấp thất nghiệp” phải được thay thế cho “Trợ cấp mất việc” mới đúng. Nhưng đằng này, chúng ta lại đi thay “Trợ cấp thôi việc” bằng “Trợ cấp thất nghiệp”.

Và điều làm cho Kế toán “hoang mang”

Hầu hết các Kế toán đang “hoang mang” vì TK 351 hiện nay xử lý thế nào. Tuy nhiên, trong bài viết này, căn cứ các quy định hiện hành, xin đưa ra ý kiến như sau : Vào ngày 31/12 hàng năm, kế toán vẫn căn cứ tổng quỹ lương BHXH trích từ 1% đến 3% (quỹ lương năm theo khả năng của doanh nghiệp) để đưa vào Quỹ dự phòng “trợ cấp mất việc” (Nợ TK 642, Có TK 351). Đối với các Doanh nghiệp niêm yết, thì việc trích lập quỹ này được thực hiện tại thời điểm lập BCTC giữa niên độ (căn cứ quỹ lương quý). Khi chi trả trợ cấp mất việc (chứ không phải là trợ cấp thôi việc) thì ghi Có TK 111, Nợ TK 351.

Kiến nghị

Kiến nghị Bộ LĐTBXH điều chỉnh quy định liên quan đến “trợ cấp mất việc”, “trợ cấp thôi việc”, “trợ cấp thất nghiệp” đồng thời công bố định nghĩa rõ ràng về các khoản này để NLĐ hiểu rõ hơn. Thiết nghĩ, việc duy trì “trợ cấp thôi việc” là cần thiết vì “trợ cấp thôi việc” là khoản trợ cấp mà doanh nghiệp dành cho NLĐ khi họ rời khỏi cơ quan sau một thời gian gắn bó. Vì cũng theo Điều 41 Bộ Luật Lao động thì nếu người lao động vi phạm kỷ luật buộc thôi việc hay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì không được hưởng “trợ cấp thôi việc”. Nếu có thể, nên thay thế “trợ cấp mất việc” bằng “trợ cấp thất nghiệp”.

Bên cạnh đó, kiến nghị điều chỉnh Khoản 6, Điều 139 Luật BHXH đã ban hành như sau :”Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật này không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về cán bộ, công chức.” Vì điều khoản này đã “hủy bỏ” cả “trợ cấp mất việctrợ cấp thôi việc”, đơn phương hủy bỏ Điều 17 và Điều 42 Bộ luật Lao động. Trong khi chưa có văn bản nào hướng dẫn việc hủy bỏ trợ cấp mất việc từ Bộ Tài chính và cách thức xử lý TK 351.

TS. Lê Ngọc Lợi, CPA

 

Hỗ Trợ Trực Tuyến
 
CongTy PhuNamHai 260 270

TrungTam Daihoc KinhTe 260 270

f and y 260 270
Lead talent 260 270

Lượt Truy Cập

Hôm nay: 132 Hôm qua: 206 Tổng truy cập: 1146837 Số người đang online: 16

THÔNG TIN VỀ QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH

Dịch vụ và Tư vấn Thuế - Kế toán : 028.3932 6401 - 028.3932 6473
Tư vấn Quản lý và Nhà Thầu : 028.3932 6403 - 0945 168 743
Tư vấn Tổ chức và nhân sự : 028.3932 6341028.3890 9670

^