“15 thiên đường thuế tồi tệ nhất thế giới”
- Chuyên mục: Chính sách Thuế
- Lượt xem: 2854
- 10 - 12 - 2016
Oxfam - một liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức, hoạt động tại hơn 90 quốc gia trên thế giới vừa đưa công bố báo cáo cảnh báo về “cuộc đua xuống đáy nguy hiểm về thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn cầu”.
Cuộc đua về thuế
Báo cáo này công bố các “thiên đường thuế” đang làm suy giảm toàn bộ hệ thống của thuế thu nhập doanh nghiệp và nêu tên 15 “thiên đường thuế tồi tệ nhất” trên thế giới.
Đây là một cuộc đua xuống đáy nguy hiểm về thuế thu nhập doanh nghiệp, các quốc gia trên toàn thế giới đang cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư.
Theo Oxfam, “thiên đường thuế” là sự thể hiện rõ ràng nhất của cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn cầu.
Cụ thể, danh sách “thiên đường thuế” tồi tệ nhất thế giới của Oxfam gồm: Bermuda, quần đảo Cayman, Hà Lan, Thuỵ Sỹ, Singapore, Ireland, Luxembourg, Curacao, Hồng Kông, Cyprus, Bahamas, Jersey, Barbados, Mauritius, quần đảo British Vigrin.
Các nơi này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những phương thức tránh thuế thu nhập doanh nghiệp nghiêm trọng nhất, gây ra sự gia tăng cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp, báo cáo nhìn nhận.
Tiêu chí để đánh giá là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, mức độ ưu đãi thuế, và thiếu hợp tác quốc tế chống lại hành vi tránh thuế.
“Các thiên đường thuế thu nhập doanh nghiệp đang gây ra thất thoát lớn về thuế. 90% các công ty lớn nhất thế giới có mặt tại ít nhất một thiên đường thuế. Đặc biệt, các công ty đa quốc gia lớn sở hữu trung bình 70 cơ sở tại các thiên đường thuế, và điều này đã giúp họ nôp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất thực tế thấp hơn ở cấp độ cả tập đoàn, so với các công ty đa quốc gia không có cơ sở tại các thiên đường thuế”, báo cáo cho hay.
Theo nghiên cứu của Oxfam, công ty đa quốc gia của Mỹ ghi nhận lợi nhuận là 80 tỷ USD tại Bermuda vào năm 2012, nhiều hơn lợi nhuận ghi nhận tại Nhật Bản, Trung Quốc, Đức và Pháp cộng lại.
Báo cáo cho rằng, các “thiên đường thuế” đã khuấy động cuộc chạy đua giảm thuế của tất cả các quốc gia trên thế giới với việc cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Thuế thu nhập doanh nghiệp trên toàn cầu đã giảm từ mức trung bình 27,5% vào 10 năm trước, xuống còn 23,6% hiện nay. Quá trình này cũng đang có dấu hiệu tăng tốc.
Đối với các quốc gia nhóm G20, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình đã giảm từ 40% vào 25 năm trước, xuống còn 30% hiện nay.
Ngoài ra, các quốc gia còn ưu đãi thuế cho doanh nghiệp. Ưu đãi thuế đóng vai trò tích cực trong thu hút đầu tư hoặc giúp một quốc gia định hình nền kinh tế của mình. Nhưng ưu đãi thuế thường xuyên được cho là không hiệu quả và tốn kém.
"Người hưởng lợi duy nhất từ cuộc đua xuống đáy nguy hiểm này là các công ty với cổ đông và chủ sở hữu giàu có. Tuy nhiên, các quốc gia trên khắp thế giới không thể không tham gia cuộc đua xuống đáy. Điều này phần lớn là do quan điểm kinh tế phổ biến cho rằng mọi cuộc cạnh tranh có bản chất tốt”, Oxfam khẳng định.
Đảo ngược xu thế
Theo đó, để đảo ngược cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp, các quốc gia phải loại bỏ những giả định sai lầm, lạc hậu và dựa trên một quan điểm kinh tế chưa được chứng minh. Các quốc gia cũng cần chấm dứt việc để khu vực tư nhân kiểm soát chính sách thuế, đi ngược lại với lợi ích chung.
“Các quốc gia phải hành động ngay bây giờ. Chỉ khi các quốc gia sẵn sàng đưa ra các quyết định cứng rắn để thay đổi các chính sách đang cho phép các công ty tránh nghĩa vụ thuế, không thì cuộc đua xuống đáy sẽ tiếp tục”, Oxfam cho hay.
Theo đó, giải pháp mà tổ chức này đưa ra đó là thành lập một tổ chức thuế toàn cầu để dẫn dắt và điều phối hợp tác thuế quốc tế với sự tham gia bình đẳng của tất cả các nước, nhằm bảo đảm rằng các hệ thống thuế quốc gia, khu vực và toàn cầu phục vụ lợi ích chung tại tất cả các quốc gia.
Đối với các “thiên đường thuế” cần xây dựng một danh sách rõ ràng về các “thiên đường thuế” lớn nhất, dựa trên các tiêu chí khách quan và không có can thiệp chính trị.
Các tiêu chí bao gồm: minh bạch thông tin thuế, thuế suất thấp và các ưu đãi thuế có hại. Hoạt động này có thể được thực hiện hàng năm bởi tổ chức thuế toàn cầu hoặc một tổ chức độc lập. Các biện pháp mạnh bao gồm các hình thức trừng phạt và khích lệ cần được sử dụng để hạn chế xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận.
Oxfam khuyến nghị các quốc gia thu hút đầu tư cần chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế thu nhập doanh nghiệp. Chấm dứt việc áp dụng tùy tiện các ưu đãi thuế, và đặt tất cả ưu đãi thuế mới vào khung đánh giá kinh tế và đánh giá rủi ro nghiêm ngặt.
Đặc biệt, với doanh nghiệp, Oxfam cho rằng họ cần nhìn nhận thuế không chỉ là một nghĩa vụ pháp luật, mà cao hơn là trách nhiệm đóng góp của doanh nghiệp vào của cải chung của xã hội mà chính họ cũng phải phụ thuộc vào.
Được biết, tại Việt Nam, nhiều “thiên đường thuế” đã rót hàng trăm tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam: Singapore, Hồng Kông, British Vigrin, Cayman,... Xu hướng đầu tư gia tăng nhanh chóng trong những năm trở lại đây.
VneconomyNews
LBL_NEWERNAME
- Tháng 07 và 08/2020, vì sao thu thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng mạnh ? - 02/09/2020
- Thu thuế xe hơi như con bò sữa vắt hoài không hết - 19/10/2017
- Tăng thuế VAT để đảm bảo an toàn tài chính - 15/08/2017
- Quy định giới hạn chi phí lãi vay trong Nghị Định chống chuyển giá : Có thể khiến hàng loạt doanh nghiệp lớn phải đóng thêm hàng trăm tỷ tiền thuế mỗi năm - 09/05/2017
- Bất đồng trong nội bộ EU về Thuế của Apple - 20/12/2016
LBL_OLDERNAME
- Bộ Tài chính “cắt xén” ưu đãi của doanh nghiệp - 28/07/2016
- Bộ Tài chính lên tiếng về vấn đề 'cắt xén' ưu đãi của doanh nghiệp - 27/07/2016
- Nâng cao năng lực đánh giá doanh nghiệp của Ngành Thuế - Giải pháp cơ bản chống chuyển giá trong tiến trình hội nhập - 20/06/2016
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và luật quản lý thuế - tăng tính khả thi và góp phần bảo hộ DN Việt một cách hợp lý - 03/06/2016
- Câu chuyện thuế Việt Nam: Không chỉ truy thu mà còn cần xóa nợ thuế - 08/03/2016