Uẩn khúc Saigon Co.op thua đại gia Thái vụ mua lại Big C
- Chuyên mục: Vấn đề Tài chính
- Lượt xem: 5493
- 29 - 09 - 2016
Chia sẻ tại tọa đàm "Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa?" lãnh đạo Saigon Coop tỏ ra tiếc khi đã trả giá không thua kém đối tác ngoại nhưng vẫn không mua được hệ thống siêu thị Big C. Theo lời tâm sự của đại diện Saigon Coop, doanh nghiệp này đã trả giá không kém đối thủ Central Group từ Thái Lan. Song họ bị loại vì BigC đã đưa ra một số điều kiện đẩy Saigon Coop vào thế khó.
Kể lại câu chuyện chạy nước rút trong cuộc đua mua lại hệ thống Big C Việt Nam, ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Co.op Mart, chia sẻ, có nhiều yếu tố để quyết định việc lựa chọn người thắng trong bất kỳ thương vụ mua bán nào. Ngoài giá – yếu tố thường mang tính "chốt hạ" thì trong thương vụ Big C Việt Nam, chủ sở hữu hệ thống siêu thị này còn cân nhắc và đặt ra 2 yếu tố khác với đối tác mua.
Thứ nhất, về năng lực: Khi doanh nghiệp nước ngoài mua lại thương hiệu họ cũng phải lựa chọn đơn vị đó có đủ sức vận hành hệ thống mà không ảnh hưởng đến thương hiệu của họ hay không? Cái này Saigon Coop khẳng định cũng không thua Central Group.
Thứ 2, về thanh toán, thủ tục pháp lý, vận chuyển: BigC đã đặt ra một số điều kiện khiến Saigon Coop rơi vào thế khó và không thực hiện được.
Không tiện nói ra chi tiết các điều kiện cụ thể nhưng ông Hoàng Anh cho biết, đây chính là lý do khiến Saigon Co.op thất bại trong thương vụ mua lại BigC Việt Nam, chứ không phải do thiếu tiền.
“Trước khi quyết định tham gia vào thương vụ này, chúng tôi đã suy nghĩ kỹ. Chúng tôi đã xác định đâu là thế mạnh và bảo vệ nó đến cùng, mảng yếu sẽ liên doanh liên kết để phát triển. Khi tính toán thương vụ này, chúng tôi suy nghĩ nhiều và xây dựng 2 kịch bản là thành công sẽ làm gì và không thành công sẽ làm gì. Chúng tôi cũng xác định đâu là thế mạnh của mình để bảo vệ đến cùng, còn mảng yếu sẽ liên doanh, liên kết để phát triển. Tiếc là tới phút chót chúng tôi đã không thể sở hữu Big C Việt Nam do một vài điều kiện phía bán bán đặt ra, chứ không phải do thiếu tiền", ông Hoàng Anh tâm sự.
Big C đã về tay đại gia Thái Lan - Central Group từ cuối tháng 4. |
“Rất tiếc cho chúng tôi đã không thành công, nhưng đây cũng sẽ là bài học để chúng tôi củng cố thêm các thông tin và có bước chuẩn bị tốt hơn trong thời gian tới”, ông Hoàng Anh giãi bày.
Là người luôn quan tâm đến những bước đi của Saigon Coop, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam – cho biết: có thể thấy Saigon Coop rất thận trọng và cẩn thận.
Với hệ thống của mình, Saigon Coop có hệ thống siêu thị Co.op Mart được doanh nghiệp này bảo vệ một cách tuyệt đối, không liên doanh liên kết, không mua bán sáp nhập… Saigon Coop giữ gìn hệ thống Co.op Mart là một thương hiệu thuần Việt. Bên cạnh đó, Co.op Mart giữ gìn những cửa hàng độc đáo, nhỏ nhắn trong những con phố nhỏ.
“Saigon Coop đã dám đứng ra mua lại doanh nghiệp nước ngoài, câu chuyện đó rất dài, nhưng có thể thấy Saigon Coop đã đi đến bước cuối cùng. Saigon Coop đã đi qua nhiều vòng, đến khi chỉ còn 3 đối thủ mà toàn những đối thủ lớn và nếu như không có những “trục trặc kỹ thuật” thì Saigon Coop đã mua được thành công hệ thống của Big C”, bà Loan nhìn nhận.
Bà Loan cũng cho rằng, cùng với cuộc đổ bộ của các nhà bán lẻ nước ngoài thì các vụ mua bán – sáp nhập (M&A) vừa qua, gần nhất là thương vụ Big C Việt Nam, đã thực sự làm sôi động thị trường bán lẻ. Đây sẽ là xu hướng tiếp diễn trong vòng từ 3 đến 5 năm tới do nhu cầu tự thân của doanh nghiệp và sự quan tâm của các nhà đầu tư.
VietnamnetNews
LBL_NEWERNAME
LBL_OLDERNAME
- Giá than quốc tế 50 - 54 USD/tấn, Việt Nam nhập từ Trung Quốc 71 USD/tấn! - 25/09/2016
- Hướng dẫn ưu đãi thuế TNDN trong phát triển công nghiệp hỗ trợ - 01/09/2016
- Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp méo mặt vì luật 'ông chẳng bà chuộc' - 26/07/2016
- Một số Ngân hàng Thương mại yếu kém phải xử lý thời gian qua - Góc nhìn dưới lăng kính hệ thống Kiểm soát nội bộ hiện đại - 15/06/2016
- Nokia - Microsoft: Góc khuất thương vụ 7 tỷ USD ở Việt Nam - 22/05/2016