Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp méo mặt vì luật 'ông chẳng bà chuộc'
- Chuyên mục: Vấn đề Tài chính
- Lượt xem: 3832
- 26 - 07 - 2016
Lo lắng trước việc chương trình làm luật của Quốc hội không xem xét tới các quy định về môi trường kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất cần sớm ban hành một luật để sửa cùng lúc nhiều luật, góp phần "cởi trói" cho doanh nghiệp.
Nỗi sợ của doanh nghiệp về những quy định pháp luật đang chồng chéo, "đẻ" nhiều giấy phép con... được đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu lên tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 của Quốc hội sáng 26/7.
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết ông cảm thấy buồn và thất vọng khi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016 và cả trong tờ trình của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng không hề có nội dung xem xét liên quan tới sửa đổi, bổ sung một số luật về cải thiện môi trường kinh doanh, doanh nghiệp.
"Nhiều quy định về môi trường kinh doanh theo kiểu “ông chẳng bà chuộc”, vô lý, chi phí kinh doanh cao... đang trói buộc và cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Chính đây là nguyên do khiến nhiều doanh nghiệp chọn khởi nghiệp tại Singapore, thay vì trong nước", ông Lộc nói thẳng.
Theo vị này, dù Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã được Quốc hội xem xét và ban hành luật sửa đổi nhưng thực tế nhiều luật chuyên ngành, quy định về môi trường đầu tư kinh doanh lại đi ngược, chồng chéo và thiếu liên thông.
Ông dẫn chứng, Luật Nhà ở không tương thích với Luật Đất đai; Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư ban hành theo hướng "chọn bỏ" thì luật chuyên ngành lại thiên về "chọn cho"... Hay Luật Đầu tư quy định bộ, ngành không được ban hành điều kiện kinh doanh trong khi các luật chuyên ngành vẫn giao cho bộ, ngành đưa ra nhiều điều kiện mới, là những "giấy phép con" hành doanh nghiệp...
"Nhiều quy định trong luật vẫn kiểu "ông nói gà, bà nói vịt", luật chồng lên luật, bộ lấn địa phương, Chính phủ làm thay doanh nghiệp... Người dân, doanh nghiệp, thậm chí cơ quan quản lý không biết "quả trứng có trước hay con gà có trước", khi có quá nhiều quy định chồng lên nhau", ông Vũ Tiến Lộc bức xúc và đề nghị phải bãi bỏ ít nhất 70 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều chỉnh 10 ngành nghề kinh doanh khác. "Chỉ cần sửa đổi 1 hay 2 điều luật hữu ích cũng nên làm để giải toả ách tắc cho người dân, doanh nghiệp", vị này nói thêm.
Để không chậm trễ, đại biểu đề nghị Quốc hội cần đưa vào chương trình làm luật, xem xét và thông qua một đạo luật sửa nhiều luật về doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh ngay trong kỳ họp thứ 2 vào cuối năm 2016. "Đưa sớm luật này, sẽ không làm mất đi cơ hội, niềm tin của người dân, doanh nghiệp, cũng để tránh sự lãng phí lớn trong xây dựng, sửa luật", ông Lộc tha thiết.
Bức xúc của đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận được nhiều sự đồng tình tại phiên thảo luận. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị sớm thông qua một đạo luật sửa nhiều luật về môi trường đầu tư kinh doanh tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV để tạo động lực mới cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong khi đó, đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng Uỷ ban thường vụ và Quốc hội có thể đề xuất phiên họp bất thường để xem xét, sửa đổi những điều luật cần thiết, quan trọng cần sửa ngay để phù hợp với thực tế.
Phản hồi lại ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay, không phải Thường vụ Quốc hội không đồng ý việc sửa đổi những quy định về điều kiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhưng do hồ sơ chuẩn bị của Chính phủ trình lên chưa đầy đủ, nên cơ quan thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung.
Cụ thể là tại phiên họp thứ 50, cơ quan thường trực Quốc hội đã đề nghị Chính phủ từ nay tới cuối năm rà soát các luật, pháp luật liên quan tới đầu tư kinh doanh để có dự án luật đầy đủ theo quy trình của Luật Ban hành văn bản pháp luật. Sau đó, trình cơ quan thẩm tra của Quốc hội, báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội. “Nếu đủ điều kiện, sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp vào cuối năm 2016”, Phó chủ tịch Quốc hội cho hay.
VnExpressNews
LBL_NEWERNAME
- 12 nền kinh tế có thặng dư ngân sách lớn nhất thế giới - 06/10/2016
- Estonia, đất nước nhập khẩu... rác - 06/10/2016
- Uẩn khúc Saigon Co.op thua đại gia Thái vụ mua lại Big C - 29/09/2016
- Giá than quốc tế 50 - 54 USD/tấn, Việt Nam nhập từ Trung Quốc 71 USD/tấn! - 25/09/2016
- Hướng dẫn ưu đãi thuế TNDN trong phát triển công nghiệp hỗ trợ - 01/09/2016
LBL_OLDERNAME
- Một số Ngân hàng Thương mại yếu kém phải xử lý thời gian qua - Góc nhìn dưới lăng kính hệ thống Kiểm soát nội bộ hiện đại - 15/06/2016
- Nokia - Microsoft: Góc khuất thương vụ 7 tỷ USD ở Việt Nam - 22/05/2016
- Cấm chuyển lãi kinh doanh BĐS: Lỗi thời cần sửa kịp thời - 09/05/2016
- Vì sao giá cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh ? - 30/04/2016
- 500 DN xuất sắc nhất Việt Nam: Niềm tin và kỳ vọng tăng trưởng - 14/04/2016