'Bom nợ' Evergrande chực chờ phát nổ và nỗi lo của các nhà đầu tư bất động sản
- Chuyên mục: Tin Chiến lược Tài chính
- Lượt xem: 1138
- 24 - 09 - 2021
Evergrande (Tập đoàn Hằng Đại), từng tuyên bố có 1.300 dự án nhà ở tại hơn 280 thành phố của Trung Quốc, đang ôm cục nợ hơn 300 tỉ USD chưa biết xoay xở ra sao. Nếu nó sụp đổ, hàng triệu người mua nhà trả trước và các nhà thầu nhỏ sẽ chết đứng.
Tập đoàn bất động sản này hiện nợ như chúa chổm. Ngoài nợ ngân hàng, Evergrande còn nợ nhân viên và các nhà đầu tư nhỏ lẻ tiền lãi trái phiếu tự phát hành, nợ tiền vật liệu xây dựng từ sơn lót đến ống dẫn dây điện. Nhưng khoản nợ nguy hiểm nhất là 1,4 - 1,5 triệu căn hộ hoàn thiện cho những người đã trả tiền trước.
Dân đen điêu đứng
Trong tuần qua hình ảnh hàng trăm người với nét mặt giận dữ hoặc mếu máo tập trung trước trụ sở Evergrande ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Họ là các chủ nợ của tập đoàn, đang lo lắng sẽ bị mất ít nhất 1 triệu USD. Tại Nam Xương thuộc tỉnh Giang Tây, một nhóm khoảng 300 người đã xông vào văn phòng chi nhánh Evergrande và bắt giữ giám đốc đại diện để làm cho ra lẽ.
Đoạn video ghi lại cảnh bắt giữ được đăng tải trên mạng xã hội WeChat đã khiến nhiều người bất an. "Chúng tôi đang giữ một người họ Trần là đại diện của Evergrande. Hắn sẽ không thể đi khỏi đây vì đã có 300 anh em đầu tư của chúng tôi", một tài khoản WeChat tên Yang Qiwen vừa nói vừa hướng camera điện thoại về phía một người đàn ông đang nằm trên sàn nhà.
Tất cả sự việc trên cho thấy mức độ bất ổn xã hội sẽ ra sao nếu Evergrande sụp đổ. Các ngân hàng được cho là đã từ chối gia hạn các khoản vay mới cho người đã trót bỏ tiền cho các dự án vẫn còn ngổn ngang của Evergrande.
Trong những năm qua nắm bắt tâm lý xem nhà ở là tài sản sinh lời của dân Trung Quốc, Evergrande đã mở hàng ngàn dự án căn hộ và lấy tiền đầu này để bù vào đầu khác. Từ chuyên về bất động sản, tập đoàn mở rộng ra hàng loạt lĩnh vực khác, từ sữa hộp đến xe điện và bóng đá. Mọi chuyện suôn sẻ cho đến khi chính quyền siết chặt các khoản vay bất động sản và giá nhà tại các thành phố nhỏ hạ nhiệt.
Khó khăn về tài chính buộc tập đoàn phải huy động tiền từ các nhân viên. Khoảng 70-80% trong tổng số 200.000 người đang làm cho Evergrande với tư cách vừa là nhân viên vừa là chủ nợ. Họ được yêu cầu mua trái phiếu do công ty phát hành, với những lời hứa hẹn sẽ trả lãi đúng hạn.
Quốc hữu hóa Evergrande?
Khoảng 78% dân Trung Quốc ở thành thị có tài sản là bất động sản, xấp xỉ con số 81% người cho rằng có nhà là điều bắt buộc trước khi kết hôn, theo tạp chí Time. Nếu giá nhà ở Trung Quốc trượt dốc sau vụ Evergrande, tài sản của tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới sẽ bị thu hẹp đáng kể. Theo tạp chí Foreign Policy, đây là tầng lớp đã đầu tư rất nhiều vào bất động sản và đang được Đảng Cộng sản Trung Quốc xem là nền tảng quan trọng để tăng cường tính chính danh trong nước.
Do vậy chính quyền Trung Quốc chắc chắn sẽ không để Evergrande sụp đổ nhưng nhiều khả năng sẽ không tung ra gói cứu trợ vì như thế sẽ gửi các thông điệp sai đến các nhà phát triển bất động sản khác. Quốc hữu hóa là một trong những kịch bản đang được một số nhà phân tích nghĩ đến.
Liệu "bom nợ" Evergrander có trở thành một Lehman Brothers của Trung Quốc hay không? |
Trước mắt, để xoa dịu các lo ngại, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm hàng chục tỉ USD vào hệ thống ngân hàng, bao gồm gói mới nhất là 18,6 tỉ USD ngày 22-9. Trong một thông báo khác có cùng mục đích, Evergrande cho biết đã đạt được thỏa thuận trả 36 triệu USD tiền lãi trái phiếu cho những người mua trong nước. Nhưng công ty vẫn còn khoản nợ trái phiếu hơn 130 triệu USD sẽ đến hạn trong tuần này và tuần tới.
Một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng sự sụp đổ của Evergrande có thể trở thành "thời khắc Lehman" của Trung Quốc - ám chỉ sự phá sản của ngân hàng Lehman Brothers đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên phần lớn đều cho rằng kể cả khi Evergrande phá sản, tác động của nó đến thị trường tài chính và ngành ngân hàng Trung Quốc là "có thể chịu đựng được". Một trong những ý kiến này thuộc về chuyên gia Jenny Zeng của AllianceBerntein - một công ty chuyên về quản lý tài sản toàn cầu có trụ sở tại Mỹ. Trao đổi với Đài CNBC, bà Zeng cho rằng thị trường bất động sản của Trung Quốc đang phân mảnh và Evergrande chỉ chiếm khoảng 4% quy mô ngành. Do đó rủi ro tài chính hoặc xã hội liên quan trực tiếp đến Evergrande thực sự "có thể kiểm soát được một cách hợp lý".
Giới đầu tư vẫn cảnh giác
Giá hợp đồng tương lai cổ phiếu tại Mỹ đã tăng lên trong phiên giao dịch sáng 22-9, sau khi nhiều chỉ số chứng khoán giảm mạnh do "cuộc khủng hoảng Evergrande". Giới đầu tư đã bán tháo nhiều loại tài sản khác nhau vì lo sợ ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tiền mặt của Evergrande. Tuy nhiên thị trường đã khởi sắc sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thông báo bơm tiền vào hệ thống ngân hàng và Evergrande cam kết sẽ thanh toán đúng hạn lãi trái phiếu nội địa.Theo Hãng tin Bloomberg, ngày 22-9, chỉ số MSCI của châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,7% sang ngày thứ 3 liên tiếp. Thị trường chứng khoán Trung Quốc may mắn tránh được tình trạng bán tháo vào ngày đầu tiên hoạt động lại sau kỳ nghỉ lễ, nhờ thông tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bơm tiền vào hệ thống ngân hàng.
TuoitreNews (TTO)
LBL_NEWERNAME
- Việt Nam phản hồi kết luận của Bộ Tài chính Mỹ về chính sách tiền tệ - 21/11/2024
- Kinh doanh bất động sản ở TP HCM khởi sắc - 31/03/2024
- Ngay khi tỷ phú Jack Ma trở về, Alibaba thông báo sẽ tách thành 6 công ty nhỏ - 29/03/2023
- Twitter áp kế hoạch "thuốc độc" sau đề nghị mua lại của tỷ phú Elon Musk - 16/04/2022
LBL_OLDERNAME
- Tài chính toàn cầu chao đảo do lo ngại 'quả bom nợ' Evergrande - 21/09/2021
- Anh sẽ thiệt hại khi chính trị hóa kho vàng Venezuela - 27/07/2021
- Quyền lực mong manh của giới tỷ phú Trung Quốc - 12/07/2021
- Vấn đề Trung quốc phủ bóng Hội nghị thượng đỉnh G7 - 13/06/2021
- Cảnh báo lạm phát: Những yếu tố tác động mạnh đến giá cả trong nửa cuối năm - 22/05/2021