9 yêu cầu Thống đốc đặt ra với các ngân hàng thương mại
- Chuyên mục: Tin Quản trị Tài chính
- Lượt xem: 1760
- 30 - 01 - 2017
Xử lý nợ xấu, tăng cường năng lực tài chính, quản trị, tiết giảm chi phí hoạt động... là những vấn đề trọng tâm được Thống đốc đặt ra với các ngân hàng thương mại trong thời gian tới.
Chỉ thị 02 vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành, trong đó có 9 vấn đề trọng tâm được đưa ra với các tổ chức tín dụng. Trước tiên, Thống đốc yêu cầu các nhà băng phải chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 phù hợp với chủ trương, mục tiêu, định hướng và giải pháp trong Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020 tổng thể của ngành Ngân hàng, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt để thực hiện.
Thống đốc đặt ra nhiều yêu cầu với các ngân hàng thương mại. |
Hai là, tổ chức tín dụng phải xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (bao gồm: nợ xấu nội bảng; nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ; trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng đã mua; các khoản phải thu khó đòi...) từng quý trong năm 2017.
Ba là, tiếp tục kiện toàn mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành và hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ nhằm hạn chế rủi ro và vi phạm pháp luật. Rà soát, ban hành và thực hiện nghiêm túc các quy định nội bộ về luân chuyển cán bộ, đặc biệt là vị trí lãnh đạo, các vị trí ngân quỹ, tín dụng, thanh toán, huy động vốn, xử lý nợ xấu, kinh doanh ngoại hối, công nghệ thông tin...
Bốn là, tăng cường năng lực tài chính, cải thiện vững chắc khả năng thanh khoản; tích cực cơ cấu lại tài sản và nguồn vốn theo hướng thu hẹp chênh lệch kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn, tăng tỷ trọng nguồn vốn có tính ổn định cao.
Năm là, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu, kiến nghị, cảnh báo và quyết định về thanh tra, kiểm toán của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan kiểm toán nhà nước. Tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, tiêu cực, tham nhũng của các cá nhân và đơn vị trực thuộc.
Sáu là, tích cực, chủ động triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu như đôn đốc thu hồi nợ, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, khởi kiện khách hàng vay, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho khách hàng khắc phục khó khăn và phát triển sản xuất kinh doanh... Đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, đặc biệt là với VAMC.
Bảy là, rà soát, tiết giảm các chi phí hoạt động và tập trung mọi nguồn lực cho việc xử lý nợ xấu. Những ngân hàng có nợ xấu lớn, chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật, hiệu quả kinh doanh thấp phải kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm các chi phí quản lý, chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí quảng cáo, khuyến mại, chăm sóc khách hàng...
Tám là, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với quy mô, cơ cấu nguồn vốn và năng lực quản trị rủi ro của tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng và hạn chế nợ xấu phát sinh. Thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước thông báo, trong đó tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Chín là, các ngân hàng phải chấp hành quy định của pháp luật về cấp tín dụng, bảo đảm tiền vay, đặc biệt là việc thực hiện các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn theo lộ trình qui định tại thông tư 36 và thông tư 06...
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh mới và nâng cao chất lượng tín dụng; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng; thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi, kiểm tra chặt chẽ khách hàng vay... Kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan TTGSNH) những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị trong quá trình hoạt động để được xem xét, xử lý.
VnexpressNews
LBL_NEWERNAME
- Ông Dương Công Minh làm Chủ tịch Sacombank - 29/06/2017
- SCIC thu hơn 10.000 tỷ nhờ bán vốn Vinamilk - 29/06/2017
- Cổ phiếu lao dốc, 3 tỷ phú Hồng Kông gần trắng tay sau một ngày - 29/06/2017
- Đầu vào hạ nhiệt, lãi suất cho vay đang giảm dần - 05/04/2017
- TKV lỗ lơn nghìn tỷ vì đầu tư tài chính: “Lỗ thì cho phá sản”? - 21/03/2017
LBL_OLDERNAME
- Yahoo đổi tên sau khi bán tài sản cho Verizon - 10/01/2017
- Vietcombank, ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại VAMC - 01/01/2017
- Duy nhất đại gia Thái Lan đăng ký đấu giá cổ phần Vinamilk - 09/12/2016
- Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2016 - 01/12/2016
- USD tăng dữ dội: Thêm 200 đồng, lên 22.650 đồng/USD - 18/11/2016