Thông tư 200/BTC – một bước trong tiến trình hướng đến minh bạch báo cáo tài chính

hoc ke toan, học kế toán, dich vu ke toan, dịch vụ kế toánVới mục tiêu hướng đến vấn đề bản chất hơn hình thức, chế độ kế toán theo Thông Tư 200/BTC ra đời nhằm giúp cho doanh nghiệp tự hạch toán kế toán làm sao để phản ảnh phù hợp nhất sự trung thực và hợp lý báo cáo tài chính của mình nhằm gia tăng sự tin cậy của người sử dụng thông tin báo cáo tài chính, của cổ đông. Sau đây là bài viết của ThS. Võ Đình Sáu, chuyên gia nghiên cứu các chính sách kinh tế của Trường Đại Học CNTP TP. Hồ Chí Minh.

1. Tính tất yếu của việc điều chỉnh chế độ kế toán theo quyết định 15/BTC và 48/BTC :

Ngày 20/12/2014 , Bộ Tài chính ban hành Thông tư 200/BTC, hướng dẫn chế độ kế toán mới áp dụng cho toàn bộ các loại hình doanh nghiệp thay thế cho chế độ kế toán theo QĐ 15/BTC và QĐ 48/BTC được ban hành vào tháng 2/2003,  ngay khi Luật Kế Toán do Quốc Hội ban hành có hiệu lực thi hành; đây là một bước  trong tiến trình hội nhập nền kinh tế Việt Nam chúng ta hòa nhập với nền kinh tế thị trường thế giới, với việc tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (Asean  Economic Community) và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - TPP); cùng với nhiều lĩnh vực kinh tế khác, lĩnh vực kế toán đòi hỏi Việt Nam chúng ta ngày càng tiếp cận với chuẩn mực kế toán Quốc tế, trong đó chủ yếu là các chuẩn mực theo IAS (International Account Standard) và IFRS (International Financial Report Standards) nhằm đáp ứng yêu cầu và lợi ích của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước về việc hoạch định kế hoạch kinh doanh, so sánh kết quả tài chính giữa các báo cáo tài chính của các nền kinh tế khác nhau trong các cộng đồng kinh tế đó nhằm giúp họ đưa ra các quyết định đầu tư  quốc tế với chi phí thấp nhất. Đồng thời, cũng giúp cho các công ty đa quốc gia khi soạn thảo báo cáo tài chính hợp nhất sẽ dễ dàng hơn, không phải qua các bước chuyển đối báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam sang báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế .

2. Tóm tắt những thay đổi chủ yếu của chế độ kế toán theo Thông tư 200/BTC so với chế độ kế toán theo quyết định 15/BTC và 48/BTC :

Theo chuẩn mực IFRS (International Financial Report Standards), người ta không quan tâm đến các tài sản nào là ngắn hạn, tài sản nào là dài hạ trong qui định tài khoản kế toán, mà cái người ta yêu cầu là khi trình bày bảng cân đối tài sản phải đảm bảo tính thanh khoản giảm dần của tài sản, chính điều này mà trong chế độ kế toán mới theo Thông Tư 200/BTC , bộ Tài chính đã xóa bỏ hết các tài khoản ngắn hạn và nhập chung các tài khoản liên quan khác để hình thành nên hệ thống tài khoản duy nhất cho tài sản của doanh nghiệp, đồng thời bổ sung, điều chỉnh tên gọi của một loạt tài khoản cho phù hợp

[Bỏ tài khoản: 129, 139, 142, 144, 159, 311, 315, 342, 351,  415, 431, 512, 531, 532 ;

Thay đổi các tài khoản sau: Tài khoản 121 – Chứng khoán kinh doanh (trước đây gọi là Đầu tư chứng khoán ngắn hạn), Tài khoản 128 – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (trước đây là Đầu tư ngắn hạn khác), Tài khoản 222 – Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (trước đây là Góp vốn liên doanh), Tài khoản 228 – Đầu tư khác (trước đây là Đầu tư dài hạn khác), Tài khoản 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (trước đây là Dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn), Tài khoản 242 – Chi phí trả trước (trước đây là Chi phí trả trước dài hạn), Tài khoản 244 – Cầm cố, thế chấp, kỹ quỹ, ký cược (trước đây là Ký quỹ, ký cược dài hạn), Tài khoản 341 – Vay và nợ thuê tài chính (trước đây là Vay dài hạn ), Tài khoản 343 – Nhận ký quỹ, ký cược (trước đây là Nhận ký quỹ, ký cược dài hạn), Tài khoản 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu (trước đây là Nguồn vốn kinh doanh), Tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (trước là Lợi nhuận chưa phân phối), Tài khoản 521 – Các khoản giảm trừ doanh thu (gộp 3 tài khoản 521, 531, 532 trước đây)] và toàn bộ tài khoản ngoài bảng.

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hòa nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, trong đó yêu cầu của các doanh nghiệp đa quốc gia ngày càng lớn, chính vì vậy Thông Tư 200/BTC cũng cho phép việc vận dụng đơn vị sử dụng tiền tệ trong kế toán được linh hoạt, doanh nghiệp được phép sử dụng các loại ngoại tệ khác nhau phục vụ cho nhu cầu hạch toán của mình. Các doanh nghiệp có nghiệp vụ thu, chi chủ yếu bằng ngoại tệ, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tại Điều 4 Thông Tư 200/BTC sẽ được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán. Đây là qui định rất mới và mang tính mở nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và thế giới, khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (Asean  Economic Community) và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - TPP). Doanh nghiệp sử dụng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ trong kế toán thì đồng thời với lập Báo cáo tài chính (BCTC) theo ngoại tệ còn phải chuyển đổi BCTC sang Đồng  Việt Nam. BCTC mang tính pháp lý để công bố ra công chúng và nộp các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam là BCTC được trình bày bằng Đồng Việt Nam. Thông Tư 200/BTC cũng xóa bỏ phương pháp tính giá xuất kho theo LIFO nhằm phù hợp với IAS và IFRS. Cùng với đó, chế độ kế toán mới cũng không qui định mà doanh nghiệp tự mình xây dựng các hình thức sổ sách kế toán, các loại chứng từ kế toán phù hợp với yêu cầu quản lý của doanh nghiệp mình miễn sao các loại chứng từ này không trái với qui định của Luật kế toán mà Nhà nước ban hành năm 2003.

Các doanh nghiệp không bắt buộc phải áp dụng mẫu sổ kế toán như trước mà được tự thiết kế, xây dựng riêng phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc điểm hoạt động của minh. Doanh nghiệp nào không tự xây dựng được thì vận dụng mẫu sổ theo QĐ 15; Không bắt buộc áp dụng 4 hình thức Nhật ký chung, Nhật ký sổ Cái, Nhật ký chứng từ và Chứng từ ghi sổ. Các doanh nghiệp áp dụng theo hình thức của phần mềm kế toán mà doanh nghiệp đang sử dụng.

Đồng thời, Thông Tư 200/BTC cũng đã ban hành các Tài khoản mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong tình hình mới [Tài khoản 171 – Giao dịch mua, bán lại trái phiếu Chính phủ, Tài khoản 353 –Quỹ khen thưởng, phúc lợi Tài khoản,Tài khoản 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Tài khoản 357 – Quỹ bình ổn giá, Tài khoản 417 – Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

Chế độ kế toán theo Thông Tư 200/BTC cũng hướng đến tính pháp lý, yêu cầu trung thực hợp lý của đơn vị hạch toán độc lập, chính vì vậy Thông Tư 200/BTC chỉ chú trọng đến doanh nghiệp độc lập, còn các đơn vị phụ thuộc thì tạo lối mở, nghĩa là các doanh nghiệp hạch toán độc lập tự xây dựng qui trình kế toán phù hợp với tình hình thực tế của các đơn vị phụ thuộc trong đơn vị mình sao cho đơn giản và hiệu quả, tính pháp lý chỉ hướng đến các doanh nghiệp độc lập mà thôi. Thiết kế lại toàn bộ các tài khoản phản ánh đầu tư tài chính theo thông lệ quốc tế (Chứng khoán kinh doanh, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, Sẵn sàng để bán); Xây dựng kế toán linh hoạt, cởi mở trên tinh thần cởi trói cho doanh nghiệp, trao cho doanh nghiệp quyền quyết định nhiều hơn trong tổ chức kế toán; Tôn trọng bản chất hơn hình thức, ví dụ giao dịch có thể gọi dưới tên khuyến mại nhưng bản chất là giảm giá thì kế toán phải ghi nhận giá trị hàng khuyến mại là giá vốn và ghi nhận doanh thu trên cơ sở phân bổ theo giá trị hợp lý của hàng bán và khuyến mại; Trong giao dịch ủy thác thì người giao ủy thác mới được sử dụng TK 333 để phản ánh nghĩa vụ vì là người thực sự chi tiền nộp thuê; Người nhận ủy thác chỉ là đi làm dịch vụ nên cho dù là người giao dịch và có tên trên hồ sơ thuế cũng không được tính là nghĩa vụ của mình…. Kế toán không vì mục đích thuế mà vì mục đích chung, đảm bảo tính minh bạch rõ ràng cho tất cả những người sử dụng BCTC; Việc ghi nhận doanh thu và chi phí kế toán không phụ thuộc vào hóa đơn mà phụ thuộc vào các điều kiện của chuẩn mực kế toán  có cho phép hay không; Tách biệt kỹ thuật ghi chép kế toán và trình bày báo cáo tài chính, ví dụ thuế giá trị gia tăng  tính theo phương pháp trực tiếp hay khấu trừ đều không ảnh hưởng đến bản chất là thuế gián thu. Vì vậy, trên sổ kế toán có thể tách ngay thuế tại thời điểm ghi nhận doanh thu hoặc định kỳ mới điều chỉnh trên sổ kế toán nhưng trong mọi trường hợp, chỉ tiêu doanh thu bán hàng cung cấp dịch vụ trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh  đều không bao gồm thuế gián thu;  Cập nhật tối đa các nội dung của Chuẩn mực kế toán quốc tế ( IAS )  trên nguyên tắc không trái với Luật kế toán, như: cập nhật các IFRIC13, IFRIC15; IFRS3, 10, 15; IAS16, 36, 39, 40… Tất cả các loại chứng từ đều mang tính hướng dẫn; Doanh nghiệp được tự thiết kế biểu mẫu riêng phù hợp với yêu cầu quản lý và đặc điểm hoạt động của minh. Bổ sung, sửa đổi nhiều chỉ tiêu của Bảng cân đối kế toán; Bổ sung chỉ tiêu Lãi suy giảm trên cổ phiếu của Báo cáo kết quả kinh doanh; Bổ sung sửa đổi một số chỉ tiêu của Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Đặc biệt nhất trong hệ thống BCTC là phần thuyết minh BCTC hầu như mới toàn bộ, xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công khai, linh hoạt; Yêu cầu thuyết minh chi tiết về thông tin các bên liên quan đối với nhiều chỉ tiêu để góp phần chống chuyển giá; Thuyết minh về nợ xấu và nợ phải trả chậm thanh toán,..

Tóm lại, với mục tiêu hướng đến vấn đề bản chất hơn hình thức chế độ kế toán theo Thông Tư 200/BTC ra đời nhằm giúp cho doanh nghiệp tự hạch toán kế toán làm sao để phản ảnh phù hợp nhất sự trung thực và hợp lý báo cáo tài chính của mình nhằm gia tăng sự tin cậy của người sử dụng thông tin báo cáo tài chính, của cổ đông. Chính vì lý do đó, mà Thông Tư 200/BTC, một mặt bỏ bớt các qui định mang tính pháp lý không thực chất như hình thức sổ kế toán, chứng từ kế toán, sổ kế toán, mặt khác lại bổ sung các yêu cầu liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính, như các yêu cầu đối với việc trình bày các chỉ tiêu liên quan ở phần tài sản và nguồn vốn, đồng thời ở phần thuyết minh báo cáo tài chính, Thông Tư 200/BTC đòi hỏi doanh nghiệp phải khai báo chi tiết hơn đối với các đối tượng tài sản và nguồn vốn của mình, ví dụ nợ phải thu dài hạn, ngắn hạn, nợ khó đòi, các khoản nợ xấu. 

Ưu điểm nổi bật của Thông Tư 200/BTC kỳ này là việc hướng dẫn lập và trình bày báo cáo tài chính, đây là thông tin quan trọng nhất đối với người sử dụng báo cáo tài chính, là công cụ phục vụ cho công chúng và xã hội, tách biệt mục tiêu trình bày báo cáo tài chính theo hướng trung thực, hợp lý chứ không nhằm phục vụ cho mục đích khai thuế. Chính vì vậy, Thông Tư 200/BTC đã có yêu cầu việc trình bày báo cáo tài chính với giả định doanh nghiệp tuân thủ” nguyên tắc hoạt động liên tục” khác với doanh nghiệp không tuân thủ “nguyên tắc hoạt động liên tục”. Trong trường hợp doanh nghiệp không thể tuân thủ “nguyên tắc hoạt động liên tục”, thì khi đó việc trình bày báo cáo tài chính phải tuân thủ triệt để yêu cầu “giá trị hợp lý” trong việc trình bày báo cáo tài chính của mình, cụ thể đó là tài sản không còn phân biệt là tài sản ngắn hạn hay dài hạn mà chỉ một chỉ tiêu chung là tài sản được trình bày theo tính chất thanh khoản giảm dần của tài sản. Đồng thời Thông Tư 200/BTC hướng người sử dụng báo cáo tài chính đến tầm quan trọng của báo cáo lưu chuyển tiền tệ, đặc biệt là báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp, thông qua báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp, kết hợp báo cáo cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh, người sử dụng báo cáo tài chính  có thể suy đoán được tính hợp lý của dòng tiền vào ra trong kỳ của doanh nghiệp và dự đoán được dòng tiền trong tương lai của doanh nghiệp đó; chính vì vậy trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp trong Thông Tư 200/BTC, cơ quan soạn thảo đã bổ sung nhiều chỉ tiêu liên quan.

3. Những vấn đề còn hạn chế của Thông tư 200/BTC :

Tuy nhiên, Thông Tư 200/BTC cũng còn những hạn chế nhất định như chưa hoàn toàn phù hợp với IFRS (International Financial Report Standards)  về báo cáo tài chính, nghĩa là chúng ta cũng chỉ có bốn báo cáo như trước đây, mà không bổ sung biểu báo cáo tình hình thay đổi vốn chủ sở hữu như IFRS, về hệ thống tài khoản cũng còn hạn chế như TK 635 “chi phí tài chính”, chúng ta cũng chỉ xây dựng đến TK cấp 1, mà không xây dựng thống nhất TK cấp 2 của TK 635, trong thực tế đối tượng kế toán này rất đa dạng và phức tạp về  “chi phí tài chính”.

Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam chưa xác định một cách rõ ràng và nhất quán về tính tất yếu của việc sử dụng giá trị hợp lý làm cơ sở định giá chủ yếu trong kế toán cho nên Thông Tư 200/BTC cũng còn khá mơ hồ trong việc vận dụng “giá trị hợp lý” để thực hiện báo cáo tài chính trong trường hợp giả định “nguyên tắc hoạt động liên tục” bị vi phạm. Điều này là do chúng ta còn nhiều hạn chế về chuẩn mực kế toán  (VAS), vì chế độ kế toán được xây dựng trên cơ sở  Luật kế toán và Hệ thống các chuẩn mực kế toán, mà hiện nay Chuẩn mực kế toán thì chúng ta chưa sửa đổi, nên:

- Định nghĩa giá trị hợp lý chưa rõ ràng, chưa đầy đủ.

- Các quy định về giá trị hợp lý và sử dụng giá trị hợp lý trong kế toán nằm rải rác trong các chuẩn mực, mang tính chắp vá, thiếu tính hệ thống.

- Giá trị hợp lý sử dụng chủ yếu cho ghi nhận ban đầu, chưa sử dụng để trình bày các khoản mục sau ghi nhận ban đầu, do đó chưa đạt được mục đích ghi nhận và trình bày các khoản mục theo những thay đổi của thị trường.

- Giữa chuẩn mực, thông tư và thực tế áp dụng còn có những điểm chưa phù hợp

- Do tâm lý của người làm kế toán và quản lý vẫn nhìn nhận công tác kế toán phục vụ cho mục đích thuế, vì vậy các doanh nghiệp chưa mạnh dạn áp dụng giá tri hợp lý do bằng chứng của giá trị hợp lý phải mất thời gian kiểm chứng và có thể không được sự thừa nhận của cơ quan thuế.

- Chưa có hướng dẫn về giá trị hợp lý. Các doanh nghiệp Việt Nam có thói quen chỉ áp dụng chuẩn mực khi đã có thông tin hướng dẫn cụ thể, và các doanh nghiệp chỉ được phép hạch toán theo các quy định trong thông tư hướng dẫn, vì vậy giá trị hợp lý chưa được áp dụng rộng rãi.

- Giá trị hợp lý ít được đề cập đến. Trong các trường hợp được đề cập đều có giá gốc được xác định rõ ràng, vì vậy doanh nghiệp thường sử dụng giá gốc để ghi sổ.

4. Định hướng cần hoàn thiện để chế độ kế toán theo Thông Tư 200/BTC hướng đến hòa nhập và phù hợp thông lệ và chuẩn mực  kế toán quốc tế:

Chế độ kế toán theo Thông tư 200/BTC dựa trên hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), mà VAS được xây dựng dựa trên IAS/IFRS từ những năm 2003, mà từ đó đến nay IAS/IFRS đã có nhiều bổ sung cập nhật, trong khi VAS không thay đổi. IAS/IFRS ngày càng hướng tới đo lường tài sản dựa trên cơ sở giá trị hợp lý nhằm đảm bảo tính “liên quan” của thông tin kế toán đối với các đối tượng sử dụng, trong khi đó giá gốc vẫn là cơ sở đo lường chủ yếu được qui định bởi VAS; IAS/IFRS cho phép sử dụng xét đoán và ước tính nhiều hơn so với VAS, dẫn đến IAS/IFRS yêu cầu khai báo thông tin liên quan đến sử dụng xét đoán và ước tính nhiều hơn VAS.

Định hướng  phương pháp sử dụng giá trị hợp lý trong hệ thống kế toán Việt Nam

Về nguyên tắc

- Sử dụng giá trị hợp lý phải phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam; việc tiến tới sử dụng giá trị hợp lý như là một cơ sở định giá chủ yếu.

- Việc sử dụng giá trị hợp lý phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Về giải pháp

- Trong ngắn hạn: Một là điều chỉnh Luật kế toán, chuẩn mực chung (VAS 1); ban hành hướng dẫn áp dụng giá trị hợp lý, chuẩn hóa định nghĩa giá trị hợp lý, giải thích các cấp độ, phương pháp xác định giá trị hợp lý, quy định sự cân đối giữa các đặc tính chất lượng và các tiêu chuẩn đánh giá. Hai là  bổ sung, cập nhật nội dung các chuẩn mực kế toán hiện hành có liên quan đến giá trị hợp lý. Theo đó, cần bổ sung các quy định về định giá theo hướng tiếp cận các chuẩn mực kế toán quốc tế. Các quy định bổ sung cần hướng đến việc tạo lập sự thống nhất, theo đó, cần quy định trong chuẩn mực các yêu cầu trình bày thông tin về giá trị hợp lý. Đồng thời cần đánh giá, sửa đổi, bổ sung cập nhật  26 chuẩn mực đã ban hành cho phù hợp với những thay đổi của IAS/IFRS và thực tiễn hoạt động kinh doanh tại Việt Nam;

- Trong dài hạn: Một là nghiên cứu  ban hành Chuẩn mực Đo lường giá trị hợp lý: Trong vòng 5 năm tới, Việt Nam cần nghiên cứu ban hành chuẩn mực Đo lường giá trị hợp lý. Chuẩn mực này được xây dựng theo hướng tiếp cận và phù hợp với IFRS 13 (International Financial Reporting Standards 13): FRS 13 yêu cầu hoặc cho phép đo lường  giá trị hợp lý hoặc thuyết minh và cung cấp một khuôn khổ để đo lường giá trị hợp lý và đòi hỏi các thuyết minh về đo lường giá trị hợp lý đó. Các tiêu chuẩn xác định giá trị hợp lý trên cơ sở của một khái niệm  “giá thoát” ( exit price )  và sử dụng giá trị hệ thống  phân cấp hợp lý, là kết quả trong một thị trường, chứ không phải là thực thể đo lường cụ thể, IFRS 13 đã được ban hành tháng 5 năm 2011 và áp dụng cho kỳ hàng năm bắt đầu từ hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2013. Hai là  hoàn chỉnh hệ thống chuẩn mực kế toán áp dụng giá trị hợp lý làm cơ sở đo lường chủ yếu. Kết quả là, hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam không chỉ phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế mà còn là hệ thống chuẩn mực kế toán áp dụng giá trị hợp lý làm cơ sở định giá chủ yếu, phù hợp với thông lệ và xu hướng quốc tế. Ba là  từng bước hoàn chỉnh một hệ thống thị trường hoạt động (active market); đồng bộ và minh bạch hóa hành lang pháp lý về kinh doanh. Thị trường hàng hóa và thị trường tài chính Việt Nam phải được xây dựng ngày càng “hoạt động” để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm các dữ liệu tham chiếu trong đo lường giá trị hợp lý.

Chỉ có như vậy thì Thông Tư 200/BTC mới có thể vận dụng giá trị hợp lý trong việc trình bày báo cáo tài chính trong trường hợp Doanh nghiệp vi phạm nguyên tắc “hoạt động liên tục”, đồng thời đáp ứng mục tiêu hòa nhập hoàn toàn việc đánh giá các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI (Foreign Direct Investment), phù hợp với yêu cầu của các chuẩn mực kế toán quốc tế, phù hợp với xu hướng hội nhập hoàn toàn nền kinh tế Việt Nam vào cộng đồng các nền kinh tế khu vực và thế giới. Con đường tất yếu của hạch toán kế toán quốc tế là con đường đi tìm kiếm và khẳng định “giá trị hợp lý” của tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo tài chính, đây là yêu cầu và mong muốn của các cổ đông, nhà đầu tư khi đánh giá báo cáo tài chính đó, chứ không phải giá trị lịch sử (giá gốc) của tài sản và nợ phải trả tại thời điểm lập báo cáo tài chính; nhất là trong điều kiện ngày càng phát sinh nhiều các “công cụ tài chính phái sinh”; tất nhiên Việt Nam cần từng bước tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh tế và luật pháp phù hợp với yêu cầu của IAS/IFRS. Chẳng hạn như thị trường giao dịch tài sản cần phải “minh bạch” và “hoạt động” để có thể sử dụng giá trị hợp lý làm cơ sở đo lường giá trị tài sản…

Th.S  Võ Đình Sáu
Giảng viên Khoa Tài chính kế toán – Đại Học Công 
Nghiệp Thực Phẩm Tp.HCM

 

Hỗ Trợ Trực Tuyến
 
CongTy PhuNamHai 260 270

TrungTam Daihoc KinhTe 260 270

f and y 260 270
Lead talent 260 270

Lượt Truy Cập

Hôm nay: 350 Hôm qua: 339 Tổng truy cập: 1325016 Số người đang online: 62

THÔNG TIN VỀ QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH

Dịch vụ và Tư vấn Thuế - Kế toán : 028.3932 6401 - 028.3932 6473
Tư vấn Quản lý và Nhà Thầu : 028.3932 6403 - 0945 168 743
Tư vấn Tổ chức và nhân sự : 028.3932 6341028.3890 9670

^