Tổng cục thuế: 'Thủ tục ở Việt Nam không tệ như báo cáo của WB'
- Chuyên mục: Chính sách Thuế
- Lượt xem: 4893
- 18 - 06 - 2014
Đánh giá của WB dựa trên số liệu từ 2011 cho thấy Việt Nam là nước tốn thời gian làm thủ thuế bậc nhất khu vực, nhưng theo Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam tình hình đã được cải thiện nhiều trong 2 năm qua. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2013 (Doing Business) vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam là quốc gia có thời gian tiêu tốn cho nộp thuế gần như cao nhất khu vực với 872 giờ mỗi năm, gấp 4 lần mức trung bình của các nước châu Á - Thái Bình Dương và cao hơn Indonesia (259 giờ), Thái Lan (264 giờ), Phillipines (193 giờ), Malaysia (133 giờ) và Singapore (82 giờ). Ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, đây là báo cáo dựa trên nghiên cứu năm 2011.
- Báo cáo của WB cho thấy nhiều bất cập của ngành thuế Việt Nam. Là người đứng đầu, ông nhận định như thế nào?
Ông Bùi Văn Nam - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. |
- Tôi không bất ngờ về kết quả này. Tuy nhiên, phải nói thêm rằng, trong nghiên cứu này, WB đưa ra một mô hình doanh nghiệp giả định để đánh giá, so sánh giữa các nền kinh tế.
Báo cáo vừa công bố của WB được đưa ra dựa trên những số liệu năm 2011. Theo đó, những nỗ lực hiện nay của ngành thuế phải sẽ được ghi nhận và công bố trong Báo cáo môi trường kinh doanh của 2 năm sau. Trong khi, thực tế, trong 2 năm qua, ngành đã cố gắng nhiều để cải thiện chỉ số này.
Hơn nữa, trong cách tính của World Bank, chỉ số "nộp thuế" bao gồm cả thời gian mà doanh nghiệp làm các thủ tục về bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp. Do họ tính thời gian thực hiện các thủ tục này chung nên chỉ số nộp thuế của Việt Nam mới lên tới 872 giờ.
- Nếu tách bạch riêng phần bảo hiểm xã hội thì thời gian doanh nghiệp làm thủ tục thuế mỗi năm là bao nhiêu thưa ông?
- Riêng bảo hiểm xã hội là 335 giờ, thời gian làm thủ tục thuế là 537 giờ, trong đó 217 giờ để làm thủ tục về thuế thu nhập doanh nghiệp và 320 giờ đối với thuế giá trị gia tăng (VAT). Phải thừa nhận rằng thời gian 537 giờ nộp thuế một năm vẫn là rất cao so với các nước ASEAN, chưa đáp ứng được mong đợi của doanh nghiệp, Chính phủ cũng như cơ quan thuế. Trong thời gian tới, ngành thuế đã có những nỗ lực để cải thiện chỉ số này.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, chỉ số nộp thuế hiện nay của Việt Nam đã được cải thiện so với báo cáo của World Bank. Ảnh: Thanh Tùng |
- Ông có thể nói một cách cụ thể hơn về việc chỉ số này đã được cải thiện ra sao trong thời gian qua?
- Từ năm 2009, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu về cách đánh giá của WB, mời chuyên gia của họ và Tổ chức Tài chính Thế giới quốc tế (IFC) đến làm việc để lắng nghe các khuyến nghị của họ nhằm cải thiện chỉ số nộp thuế của Việt Nam trong báo cáo Doing Business.
Năm 2009-2010, theo bảng xếp hạng của WB và IFC, Việt Nam đã tiêu tốn tới 1.050 giờ mỗi năm cho lĩnh vực trên. Năm sau đó, chỉ số này giảm xuống còn 941 giờ và vừa qua còn 872 giờ.
- Mục tiêu của ngành thuế trong thời gian tới là gì thưa ông?
- Theo Nghị quyết 19 ban hành tháng 3 vừa qua, Chính phủ yêu cầu phải cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu đến năm 2015 giảm thời gian nộp thuế của doanh nghiệp chỉ còn 171 giờ một năm. Con số này bằng mức trung bình trong khu vực, tức là giảm hơn 700 giờ so với 2012 vừa công bố.
Để hoàn thành nhiệm vụ đó, ngành thuế phải tăng tốc cải cách nhanh gấp 5 lần kết quả cải cách của giai đoạn 2011-2012 và đặc biệt là cần sự phối hợp đồng bộ của ngành bảo hiểm xã hội.
- Hành động cụ thể của ngành trong thời gian tới để đạt được những mục tiêu trên là gì thưa ông?
- Trong 2 năm qua, lĩnh vực thuế đã có nhiều chính sách được sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực thi hành, đặc biệt về thời gian nộp và mức thuế suất. Về thời gian, doanh nghiệp có mức doanh thu đến 20 tỷ đồng mỗi năm chỉ còn phải nộp thuế 4 lần một năm thay vì 12 lần. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn hồ sơ khai thuế từ 5 ngày xuống 3 ngày, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế rút ngắn đối với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau từ 60 ngày xuống còn 40 ngày, đối với trường hợp hoàn thuế trước, kiểm tra sau từ 15 ngày xuống 6 ngày...
Chúng tôi cũng tập trung xây dựng và triển khai mạnh mẽ hệ thống thuế điện tử từ năm 2009, đến nay đã có hơn 366.000 doanh nghiệp tham gia, chiếm khoảng 76% tổng số. Mục tiêu là trong năm nay, con số này sẽ đạt khoảng 90%...
Bên cạnh việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế, chúng tôi sẽ khuyến khích doanh nghiệp đủ điều kiện triển khai hóa đơn điện tử và phát triển hệ thống tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (đại lý thuế).... Kết quả của những chính sách sẽ được phản ánh trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2015 và 2016. Theo đó, chắc chắn khi đó thời gian làm thủ tục về thuế sẽ giảm đi đáng kể.
- Giải pháp phát triển đại lý thuế từng được các chuyên gia đánh giá rất cao. Tuy nhiên, số lượng các đơn vị này còn hạn chế, ông nghĩ sao về điều này?
- Đây là một trong những giải pháp rất hữu hiệu cũng đã được ngành thuế đề ra và đặt mục tiêu phát triển nhanh, nhưng việc triển khai trong thời gian vừa qua còn chậm. Cả nước hiện có hơn 450.000 doanh nghiệp nhưng mới có 700 doanh nghiệp kê khai thuế qua đại lý. Số lượng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đại lý thuế mới đạt 160 đơn vị.
Hiện đã có thông tư hướng dẫn và tiêu chí đánh giá những người được phép hành nghề đại lý thuế nhưng việc thi tuyển để cấp chứng chỉ chưa được tổ chức thường xuyên. Trước đây quyết định một năm thi một lần nhưng trong thời gian tới có thể tăng lên 2-3 lần mỗi năm để có đủ người, trình độ phù hợp phát triển mạng lưới đại lý thuế.
VnexpressNews
LBL_NEWERNAME
- Những điểm vi phạm chính sách thuế của Metro Cash & Carry VN - 24/04/2015
- Cải cách thuế: Khi Việt Nam còn “một mình một sân” - 25/01/2015
- Thuế thu nhập đối với cá nhân kinh doanh: Chính sách đơn giản dễ thực hiện thì khó công bằng - 21/01/2015
- Giảm 300 giờ nộp thuế: Mới chỉ trên giấy? - 17/01/2015
- Những thay đổi trong chính sách thuế mới: Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển - 27/11/2014