Giảm 300 giờ nộp thuế: Mới chỉ trên giấy?
- Chuyên mục: Chính sách Thuế
- Lượt xem: 2781
- 17 - 01 - 2015
Việc Việt Nam đã giảm thời gian nộp thuế hơn 300 giờ mới chỉ là lý thuyết. Theo tiêu thức mới, nếu không cẩn thận, Việt Nam còn tiếp tục tụt bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh. Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam tại cuộc hội thảo bàn về Vấn đề cải cách thủ tục thuế mới đây.
Giảm trên lý thuyết
Chia sẻ vấn đề này, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng- Phó Trưởng ban cải cách và hiện đại hoá, Tổng Cục Thuế Việt Nam cho biết, Việt Nam tốn kém thời gian nộp thuế nhất là ở khâu chuẩn bị kê khai. Trong tổng số 872 giờ nộp thuế theo đánh giá của World Bank (Báo cáo cải thiện môi trường kinh doanh 2014 và 2015) thì khâu này đã chiếm tới 777 giờ, bằng 89%.
Việc kê khai thuế chỉ mất 72 giờ và thời gian nộp thuế thực sự chỉ còn mất 23 giờ.
So với các nước trong khu vực, số giờ nộp thuế của Việt Nam đứng ở mức cao nhất.
Trong 777 giờ đó, theo bà Lan Anh, các DN phải chuẩn bị tài liệu, sổ sách, hồ sơ chứng từ để phục vụ cho mục tiêu tính thuế trong khi các quy định thuế vừa qua lại khác biệt với quy định của kế toán. Chỉ riêng tờ khai thuế giá trị gia tăng có nhiều chỉ tiêu bị trùng lặp. Khối lượng công việc của doanh nghiệp tăng gấp bội vì phải đối chiếu các loại hoá đơn với các chứng từ thanh toán, tờ khai hải quan. Khi thực hiện nộp thuế, việc ghi các thông tin trên giấy nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước cũng thường phát sinh nhiều sai sót phải điều chỉnh.
Thủ tục thuế đã giảm hơn 300 giờ trên lý thuyết |
Dưới sức ép của Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, bà Lan Anh cho biết, ngành thuế đã cắt bỏ hàng trăm thủ tục với kết quả dự kiến là giảm 370 giờ, nhưng trong đó, 290 giờ tính từ tháng 10/2014 và 80 giờ là tính từ 1/1/2015 theo Luật sửa đổi các điều liên quan đến thuế.
"Toàn ngành sẽ giảm tiếp được 45-50 giờ vào năm nay, đạt mục tiêu của Chính phủ, bà Lan Anh khẳng định.
Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết, ngay từ năm 2010, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã cắt giảm 119 giờ bằng việc loại bỏ hơn một nửa trong số 263 thủ tục. Năm 2014, ngành này đã sửa đổi công tác thu chi, dự kiến giảm tiếp 100 giờ trong năm 2015 và cũng sẽ đạt mục tiêu của Chính phủ.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Cúc, Tổng thư ký Hội tư vấn thuế cho rằng: "Việt Nam còn 50 giờ nộp thuế phải giảm mới chỉ là về lý thuyết. Việc triển khai thực hiện hay không còn phải nằm ở câu chuyện sau cải cách. Chính sách đưa ra rồi mà không triển khai tốt thì chưa chắc đã thành công mà chỉ dừng trên giấy tờ".
Bà Cúc thẳng thắn nói thêm: "Vẫn nhiều người chưa biết nội dung cải cách. Ngay cả cán bộ thuế mình, một số địa phương có thể chưa nắm rõ được. Cái ta đang nỗ lực làm sao phải chuyển thành thực tế".
Lơ lửng nguy cơ tụt hạng
Sau những thành công, dù chỉ là lý thuyết, của một cuộc cấp tập cắt bỏ gánh nặng thủ tục hành chính như vậy, Việt Nam lại phải chạy theo các tiêu thức mới của Ngân hàng Thế giới sẽ áp dụng cho Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2016.
Hình thức kê khai, nộp thuế trực tiếp là rào cản lớn gây mất thời gian cho doanh nghiệp |
Bà Joanna Nasr, đồng tác giả báo cáo Môi trường Kinh doanh, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới nói, qua khảo sát DN trên toàn thế giới thì thấy, thủ tục thuế nổi lên là rào cản hàng đầu. Các chỉ số đánh giá trong các báo cáo xếp hạng hiện nay chỉ đo lường gánh nặng thủ tục hành chính ở khâu chuẩn bị, kê khai và nộp 3 loại thuế là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và bảo hiểm bắt buộc cho người lao động.
Nhưng tới đây, báo cáo năm 2016 sẽ mở rộng bộ chỉ số để đo lường các quy trình sau kê khai và nộp thuế. Đó là thanh tra, khiếu nại và hoàn thuế. Quy trình thu thập dữ liệu, độ chính xác và mức độ nhanh chóng của việc xử lý vụ việc sẽ được nội soi kỹ.
Bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ: "Không thể không đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra khi các DN chuyển sang tự khai, tự tính, tự nộp. Trong kê khai thuế điện tử, việc thanh tra nhằm phát hiện gian lận trốn thuế, chuyển giá... nhưng ngược lại, với DN nộp thuế tốt thì cần phải tuyên truyền tích cực. Đặc biệt, trong việc kiểm tra chống thất thu thì phải thấy có số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước. Nhìn vào địa phương chống thất thu nhưng lại không tăng thu thì sẽ có cảm giác là làm kém".
Theo bà Cúc, các lực lượng chức năng khác như thanh tra tài chính, công an, cơ quan khác lại không lấy số liệu của thanh tra thuế.Có khi, các cơ quan còn nghi ngờ kết quả thanh tra thuế. "Tôi đề nghị các đơn vị chức năng nên sử dụng kết quả của cơ quan hữu quan. Ai cũng muốn làm lại thì DN phải giải trình rất vất vả", bà Cúc đề xuất.
"Theo tiêu thức xếp hạng mới, thời gian nộp thuế của Việt Nam có thể giảm 22 bậc so. Nhưng với việc đưa vào tiêu thức mới này, ta cũng có thể tụt hạng nữa. Ngành thuế phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để không bị ngỡ ngàng, không bị tụt hậu", bà Cúc khuyến nghị.
VietnamnetNews
LBL_NEWERNAME
- Làm được 10 đồng, thuế “ăn” 4 đồng - 26/02/2016
- Nơi giấu tiền bí mật của giới siêu giàu - 18/01/2016
- Những điểm vi phạm chính sách thuế của Metro Cash & Carry VN - 24/04/2015
- Cải cách thuế: Khi Việt Nam còn “một mình một sân” - 25/01/2015
- Thuế thu nhập đối với cá nhân kinh doanh: Chính sách đơn giản dễ thực hiện thì khó công bằng - 21/01/2015