FED - Quyền lực Mỹ hành động đảo ngược, thế giới lập tức chao đảo
- Chuyên mục: Vấn đề Tài chính
- Lượt xem: 2132
- 17 - 06 - 2021
Cơ quan quyền lực của nước Mỹ bất ngờ đảo chiều quan điểm chính sách tiền tệ sau những tín hiệu bất thường từ nền kinh tế. Thị trường tài chính, chứng khoán và hàng hóa thế giới biến động mạnh. Kết thúc phiên họp hôm nay, FED tuyên bô sẽ tăng lãi suất vào năm 2023, sớm hơn so với thông báo trước đó, tuy nhiên không nói đến việc điều chỉnh nhịp độ của chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu hàng tháng. Động thái này của FED làm thị trường biến động mạnh do USD tăng giá và cũng thể hiện rằng : lạm phát cao đang hiển hiện rất rõ - dẫn tới nhiều quốc gia đang có những hành động chiến lược rất cụ thể về giá cả hàng hóa.
Cú đảo chiều bất ngờ
Kết thúc phiên họp kéo dài 2 ngày vào rạng sáng nay (giờ Việt Nam), Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết giữ nguyên lãi suất gần mức 0% như trong nhiều phiên họp trước đó. Tuy nhiên, tín hiệu về chính sách đã thay đổi.
Theo đó, các quan chức của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự báo đợt nâng lãi suất có thể đến sớm nhất là năm 2023, sớm hơn dự báo hồi tháng 3/2021 với những khẳng định của Fed không nâng lãi suất cho tới ít nhất là năm 2024.
Trên CNBC, đại diện nhiều quỹ đầu tư cho rằng đây là một tuyên bố đầy bất ngờ, ngược với khẳng định của Fed gần đây rằng “lạm phát chỉ tăng tạm thời”. Tín hiệu của Fed khá rõ ràng, rằng cơ quan này sẽ nâng lãi suất sớm hơn và nhanh hơn.
Mặc dù dự báo có 2 đợt nâng lãi suất trong năm 2023 nhưng Fed không đề cập tới thời điểm "siết van" bơm tiền. Đây là một yếu tố có thể mang đến những bất ngờ mới về chính sách trong các cuộc họp tới.
Lý do để đưa ra định hướng chính sách tiền tệ mới của Fed có lẽ ở chỗ, lạm phát của Mỹ tăng mạnh trong 2 tháng gần đây, trong khoảng từ 4,7-5%, mức cao nhất trong vòng 13 năm qua. Trên thị trường, nhiều người lo ngại Mỹ sẽ rơi vào tình trạng không thể kiểm soát được lạm phát.
Trong khi đó, thế giới bắt đầu nhắc tới một siêu chu kỳ, khi mà mức tăng trưởng nhu cầu mạnh tới nỗi các nhà cung cấp phải vật lộn để đáp ứng đủ, từ đó dẫn tới tình trạng giá cả hàng hóa liên tục tăng trong nhiều năm, thậm chí kéo dài hơn một thập kỷ. Nó trái ngược với một chu kỳ tăng giá ngắn ngủi được tạo ra bởi cú sốc nguồn cung nhất thời như mất mùa hay việc đóng cửa các mỏ, nhà máy lớn.
Fed tính đảo chiều chính sách. |
Cơ sở cho những tín hiệu sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến nằm ở chỗ kỳ vọng lạm phát đã cao hơn.
Cụ thể, Fed nâng mạnh kỳ vọng lạm phát tổng thể cho cả năm 2021 từ mức 2,4% (đưa ra hồi tháng 3/2021) lên 3,4% cho dù vẫn tiếp tục cho rằng áp lực lạm phát chỉ là tạm thời. Áp lực lạm phát có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Trong tháng 5, Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5% so với cùng kỳ. Đây là tăng mạnh nhất kể từ năm 2008.
Cùng với dự báo lạm phát tăng, các quan chức Fed kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ tăng từ mức 6,5% trong dự báo trước lên mức 7%. Đây sẽ là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1984, khi kinh tế Mỹ tăng trưởng 7,2%. Nó cao hơn nhiều so với con số dự báo tăng 4,2% đưa ra trong cuộc họp hồi tháng 12/2020. Trong khi đó, ước tính về tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2021 được giữ nguyên ở mức 4,5%.
Thế giới chao đảo
Ngay sau khi Fed phát đi tín hiệu đảo chiều chính sách, các thị trường tài chính, chứng khoán và hàng hóa thế giới biến động mạnh.
Đồng USD tăng vọt thêm khoảng 1,1%. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới tăng từ mức 90,5 điểm lên 91,46 điểm. Giá vàng tụt giảm 40-50 USD xuống còn 1.816 USD/ounce. Chốt phiên giao dịch 16/6 (rạng sáng 17/6 giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 265 điểm, trong đó lĩnh vực công nghệ bị bán tháo mạnh. Chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm 0,54%.
Một điểm đáng lưu ý sau cuộc họp, Fed không đưa ra bất kỳ tín hiệu nào về thời điểm bắt đầu giảm nhịp độ mua trái phiếu cho dù lạm phát tăng mạnh gây áp lực lớn lên cơ quan quản lý chính sách tiền tệ của Mỹ. Đây là một yếu tố tiềm ẩn những bất ngờ trong thời gian tới. Fed đang đối mặt với nhiều áp lực phải điều chỉnh chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD mỗi tháng. Hiện ngân hàng trung ương Mỹ đang mua khoảng 80 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và khoảng 40 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp mỗi tháng.
Trước đó, Chủ tịch Jerome Powell cho biết Fed sẽ thông báo trước cho thị trường trước khi bắt đầu rút lại hỗ trợ cho nền kinh tế. Đây cũng là cách thức mà Fed thường làm trong quá khứ, tránh gây ra biến động trên thị trường. Năm 2013, cựu Chủ tịch Ben Bernanke phát tín hiệu Fed sẽ bắt đầu giảm bớt quy mô mua tài sản và điều này đã gây chấn động khắp châu Á, khiến thị trường chứng khoán lẫn tiền tệ lao dốc. Hiện tượng này được biết tới với cái tên “Taper Tantrum”.
Trong gần một năm qua, Fed đã gạt bỏ thông lệ được duy trì trong 30 năm qua nhằm hỗ trợ thị trường lao động và nền kinh tế. Theo đó, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ không nâng lãi suất trước để ngăn lạm phát có thể tăng cao trong tương lai. Fed cho phép có những khoảng thời gian lạm phát tăng nóng để có thể đạt mức trung bình mục tiêu 2%. Theo cơ quan này, lạm phát liên tục ở mức quá thấp như kéo dài trong nhiều năm trước đây có thể gây rủi ro nghiêm trọng cho nền kinh tế. Trong nhiều phát biểu của mình, ông Jerome Powell cho rằng, chu kỳ lạm phát thấp cực kỳ đáng ngại. Lạm phát thấp khiến các ngân hàng trung ương bị mắc kẹt với mức lãi suất thấp và khó có thể sử dụng công cụ lãi suất để ngăn chặn một cuộc suy thoái trong tương lai.
Chủ tịch Powell cho biết, Fed quyết định thay đổi cách tiếp cận, tìm cách đạt mục tiêu lạm phát trung bình 2% theo thời gian. Điều đó có nghĩa, cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Mỹ chấp nhận có giai đoạn lạm phát thấp hơn và cao hơn mức này. Nước Mỹ sẽ để lạm phát tăng cao hơn 2% khi nền kinh tế khỏe mạnh và ở dưới 2% khi kinh tế suy yếu, miễn sao bình quân của một giai đoạn vẫn là 2%. Tuy nhiên, tình hình giờ đã khác nhiều so với trước. Lạm phát Mỹ có dấu hiệu có thể rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Một khi Mỹ đảo chiều chính sách, dòng vốn di chuyển trên thế giới có thể đảo chiều. Tiền có thể ồ ạt chảy về Mỹ.
Trên thị trường châu Á, thị trường chứng khoán nhiều nước đã có những biến động tiêu cực. Chỉ số Nikkei của Nhật đầu giờ sáng 17/6 giảm khoảng 1%. Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán cũng đã có những tín hiệu biến động mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 16/6, chỉ số VN-Index giảm 10,84 điểm xuống 1.356,52 điểm; HNX-Index giảm 4,64 điểm xuống 313,65 điểm. Upcom-Index giảm 0,05 điểm xuống 88,82 điểm. Thanh khoản đạt 29,3 nghìn tỷ đồng.
Nhiều nước trên thế giới cũng tính tới các biện pháp kiềm chế lạm phát và tránh cú sốc từ Mỹ. Trung Quốc tung thêm biện pháp kiểm soát giá hàng hóa, tăng cường theo dõi, giải phóng các quỹ dự trữ như kim loại…
Các ngân hàng trung ương châu Á gần đây tăng mạnh dự trữ ngoại hối đề phòng Fed đổi hướng chính sách. Hầu hết đều ghi nhận dữ trữ ngoại hối tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Tính tới cuối tháng 5/2021, lượng dự trữ ngoại hối của các NHTW ở các nền kinh tế mới nổi châu Á chạm mức 5,82 ngàn tỷ USD.
VietnamnetNews
LBL_NEWERNAME
LBL_OLDERNAME
- 'Cá mập' thao túng giá cổ phiếu - 14/06/2021
- Ẩn sau quyết định lớn của Apple và gần 1,5 tỷ USD của Intel ở Việt Nam - 26/02/2021
- Góc nhìn từ Philippines: Cần tìm hiểu tại sao Việt Nam thành công - 29/12/2020
- Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam trước cú sốc đại dịch? - 07/04/2020
- TS Nguyễn Sĩ Dũng: Việt Nam như con nhộng mới lột một nửa, nửa pháp quyền, nửa Xô viết - 19/09/2019