Hồi ký người đi học kế toán - phần 2
- Chuyên mục: Bài viết về Bộ máy kế toán
- Lượt xem: 6311
- 25 - 06 - 2011
<Đoạn trước …..> Kế đó nữa, là cái Tài khoản kế toán. Nhớ mặt mấy bạn nữ trong lớp thì mình nhớ kỹ đến mức đứng cách 1 cây số mình cũng nhận ra. Nhưng cái tài khoản thì đúng là nó nhiều tài khoản quá mà nhớ thì không thể nhớ mặc dù mình biết mình thông minh thật ấy! nhưng làm sao có thể nhớ. Thầy mình hồi đó nói là : để nhớ, chỉ có thể thường xuyên định khoản một nghiệp vụ nào đó tự mình nghĩ ra để mà nhớ tài khoản. Từ đó, mình bắt đầu tập … tưởng tượng. Ngoài bài tập của Thầy, mình đi dọc đường và nghĩ ngay đến một trường hợp ghi chép kế toán. Đó là mình nghĩ nếu mình “tông” vào cái xe Buýt trước mặt, “thằng” tài xế dừng lại xuống bắt mình bồi thường thì chắc chắc mình ghi Có TK 111, còn ghi nợ thì đó là chi phí “không giống ai” nên tất nhiên là ghi Nợ TK 811 “Chi phí khác”. Hihihihhi. Ôi ngày xưa sao tươi đẹp đến thế !!!
Điều mà mình mù mờ nhất là các nguyên tắc kế toán. Sau này, khi nghe giảng giải nhiều từ các chuyên gia kế toán lâu năm thì mình mới biết. Đó là nếu muốn lĩnh hội được các nguyên tắc kế toán, người làm kế toán vừa phải có kinh nghiệm, vừa phải có một thời gian “nghiền ngẫm” các vấn đề ghi chép của kế toán thì mới lĩnh hội được “chân lý” của các nguyên tắc kế toán. Chúng ta phải biết là, sau một thời gian hoàn thiện hệ thống kế toán, các nhà nghiên cứu kế toán mới hoàn chỉnh xong những nguyên tắc kế toán. Điều đó có nghĩa là những nguyên tắc đó là sản phẩm cao cấp, chứ không thể dùng cho những người mới học kế toán. Nhưng những người mới học kế toán phải được truyền đạt điều này để ngay trong tư duy của họ, họ phải hiểu để sau này không mất công lần dò chân lý thêm lần nào nữa. Nhưng nói các nguyên tắc kế toán cho người mới học thì khó hiểu và khó hình dung, nên Giảng viên phải dùng một tình huống thực tế nào đó để dẫn dắt rồi mới khái quát lại thành nguyên tắc đó. Tức là Giảng viên phải áp dụng nguyên tắc “đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng” đề thuyết phục người học hiểu được vấn đề mà mình đưa ra. E rằng điều đó chỉ làm được đối với những Giảng viên có kinh nghiệm, có tâm huyết và có trải nghiệm thực tiễn.
Tôi tâm đắc với ví dụ của Giảng viên khi Thầy nói về Nguyên Tắc Phù Hợp. Doanh thu phù hợp với chi phí và chi phí phù hợp với doanh thu được ghi nhận. Thầy ví dụ thế này : Bạn đưa cho em bạn một 100,000. Sai thằng bé đi mua một cái bàn về để bạn đem bán. Thằng bé cầm 100,000 mua cái bàn hết 80,000. Mua nước uống dọc đường do mang bàn về mệt quá 10,000. Còn 10,000 nó ghé Dịch vụ Internet và chơi game mất phén 10,000 cuối cùng. Sau đó nó về nói với bạn là tổng chi phí liên quan đến mua bàn gồm giá mua và các chi phí vận chuyển khác là 100,000. Bạn bán cái bàn được 200,000. Theo bạn thì tiền lời là 100,000. Tuy nhiên, theo Nguyên Tắc Phù Hợp, thực ra Bạn lời đến 110,000. Vì doanh thu của bạn 200,000 và chi phí của bạn chỉ có 90,000 thôi. 10,000 mà cậu bé chơi game không phục vụ cho việc sinh ra cái doanh thu 200,000 kia, nên nó không phải là chi phí. Thế nên tổng chi phí là 90,000.
Tuy nhiên, kế toán có nhiều nguyên tắc, không chỉ có 1 nguyên tắc. Trong nhóm các nguyên tắc thì có những nguyên tắc rất dễ hiểu, có những nguyên tắc khó hiểu như : Nguyên tắc hoạt động liên tục, Nguyên tắc thận trọng. Do đó, để có thể hiểu được các nguyên tắc, bạn nên hỏi kỹ Giảng viên về những tình huống “phi kế toán” để giải thích cho các nguyên tắc, rồi trong tương lai, khi tiếp cận với các tình huống kế toán, bạn sẽ hiểu kỹ hơn về các nguyên tắc.
Cho đến khi mình học đến các phương pháp tính giá trong kế toán. Thật ra thì học các Phương pháp tính giá là để biết rằng, sau này khi phát sinh một nghiệp vụ nào đó thì mình biết cách để tính giá. Nhưng lúc đó mình suy tư là khi nào thì mới áp dụng nó, nếu không biết điều đó, mình mất mục đích của việc ghi nhớ. Thế là mình trông chờ một “sự thuyết phục” từ Giảng viên ….
Ngày .... tháng .... năm .....